Chuyển đổi cây trồng để thoát nghèo
Gia đình anh Vàng A Chá và chị Giàng Thị Tồng (dân tộc Mông) được biết đến là một trong những gia đình đồng bào dân tộc Mông năng động trong phát triển kinh tế ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (Krông Bông- Đắk Lắk).
Từ hộ nghèo, nhờ siêng năng, chịu khó, nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đến nay gia đình anh Chá không những đã thoát nghèo mà trở thành hộ có thu nhập cao với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Rời quê hương Hà Giang năm 2004 vào định cư tại thôn Ea Uôl với mảnh đất đồi khai hoang, hai vợ chồng anh Chá đã cần mẫm trồng tỉa để sớm ổn định cuộc sống. Vợ chồng anh xác định, trước hết phải có được ít ruộng nước cấy lúa để đảm bảo được lương thực hàng ngày. Anh chị đã cải tạo 4 sào đất thấp, ngăn bờ, dẫn nước về để làm được 2 vụ chắc ăn, đào ao thả cá; hơn 2 ha đất dốc còn lại trồng sắn, bắp lai và các loại đậu.
Năm 2011 vợ chồng anh Chá trồng cây muồng xen vườn bắp lai để trồng 700 cây hồ tiêu. Hồ tiêu đang phát triển tốt thì gặp dịch bệnh làm hồ tiêu chết hàng loạt. Không nản chí, anh tiếp tục đi tham quan, học hỏi một số hộ trồng dứa đồi ở xã Cư Drăm và về trồng thử 4 sào đất đồi dốc của gia đình. Sau 2 năm, chỉ với 4 sào đất đồi trồng dứa đã cho lợi nhuận hơn 70 triệu đồng.
Do đã có kinh nghiệm trồng dứa, sẵn có giống dứa của gia đình, anh Chá đã quyết định phá bỏ diện tích hồ tiêu bị bệnh để trồng thêm 7 sào dứa đồi. Anh đã trồng xen hơn 100 cây sầu riêng, bơ, mít trong vườn dứa. Hiện nay vườn dứa của gia đình anh Chá đang vào vụ thu hoạch. Với giá bán hiện nay, ước tính gia đình anh sẽ thu về khoảng 150 triệu đồng từ vườn dứa.
Ngoài ra gần 10 năm nay, gia đình anh Chá chị Tồng có khoản thu nhập không nhỏ từ việc chăn nuôi và trao đổi trâu bò. Sẵn có hơn 2 sào đất gần nước và tận dụng đất bờ ranh để trồng cỏ, trong chuồng của gia đình luôn có gần chục con trâu, bò nuôi nhốt.
Chị Tồng chia sẻ: “Do đảm bảo được nguồn thức ăn từ trồng cỏ và rơm mùa gặt trên diện tích lúa nước nên gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt gần chục năm nay. Thấy gia đình nào bán trâu bán bò thì mình mua về nuôi nhốt; gia đình nào có nhu cầu mua thì mình bán lại. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi và trao đổi cũng đem về lợi nhuận cho gia đình hơn 100 triệu đồng mỗi năm”.
Vừa qua vợ chồng anh Chá đã dùng 350 triệu đồng từ tiền tích lũy của gia đình mua thêm 1,7 ha đất để sản xuất. Anh Chá cho biết, diện tích đất này đang được cày xới để trồng dứa và tiếp tục mua vài trăm cây ăn quả để trồng xen. Anh Chá cũng đã mua 5 nghìn cây keo lá tràm về trồng trên mảnh đất đồi có độ dốc cao sau khi đã thu hoạch xong dứa.
Anh Chá cho biết: “Mục tiêu phát triển kinh tế của gia là trồng trọt kết hợp chăn nuôi theo hướng bền vững, lấy ngắn nuôi dài. Ngoài việc trồng cây ăn quả, gia đình còn đầu tư để trồng từ 2 đến 3 ha cây keo. Trồng cây keo ở diện tích đất dốc vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa giữ được đất không bị xói lở”.