Đốt chất thải nguy hại, Công ty Kim loại màu Việt Bắc 'tra tấn' người dân hàng chục năm
Người dân xã Điềm Thụy (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) mong muốn di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại bụi lò của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc khỏi khu dân cư, sau cả chục năm phải đối mặt với nạn ô nhiễm.
Những cột khói từ miệng lò đốt chất thải nguy hại của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc (xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cuộn cao bất kể ngày đêm, bụi than bay xa hàng trăm mét, táp thẳng vào nhà dân… đó là những gì đang xảy ra tại xã Điềm Thụy.
Dân lĩnh đủ!
Những ngày giữa tháng 7, có mặt tại khu vực trung tâm xã Điềm Thụy, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, đó là các ống khói trong dây chuyển xử lý chất thải nguy hại bụi lò của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc, nằm cách khu đông dân cư chỉ đúng… một con đường nhựa, rộng cỡ chục mét. Thời tiết nắng nóng càng khiến mùi khói lò thêm phần khét lẹt, môi trường ô nhiễm, khó chịu vô cùng.
Thắc mắc về cái thực tế gần như không tưởng, khi mà khoảng cách giữa những ống khói đốt chất thải nguy hại quá gần khu dân cư, chúng tôi được nhiều người nơi đây cho hay, sự việc diễn ra cả chục năm nay, đời sống bị ảnh hưởng do mùi khét, do khói bụi phát tán.
Theo anh Minh Đoàn, một người dân sinh sống ở xóm Thuần Pháp (xã Điềm Thụy), chỉ cần quan sát bằng mắt thường và dùng mũi, cũng dễ dàng nhận thấy khói bụi, cùng mùi khét phát ra từ khói lò quay hoạt động của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc.
Vẫn theo anh Minh Đoàn, dù nhà anh nằm cách xa so với địa giới của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc, nhưng sáng ra, sân ngõ của gia đình vẫn bám đen bụi than.
“Còn đêm xuống, là y như rằng phía Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc cho khởi động lò quay đốt chất thải nguy hại. Khi đó khói đen mù mịt, khiến tôi và nhiều người dân khác, cho dù có đeo khẩu trang cũng không chịu nổi”, anh Đoàn bức xúc cho hay.
Trong khi đó chị Ngô Phương, một người dân khác sinh sống tại xã Điềm Thụy lại phản ánh, nhiều hôm đi làm về, chỉ ngang qua khu lò đốt thôi mà bụi bay rát hết cả mặt, không mở nổi mắt. Và giải pháp khắc phục tạm thời của nhiều hộ dân sinh sống dọc những tuyến đường liên xã, liên huyện chạy bao quanh Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc là đeo kính bảo vệ mắt, bịt khẩu trang.
Chưa hết, nhiều hộ dân sau nhiều năm chắt bóp mới mua nổi ngôi nhà nằm ngay mặt đường. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu, những ngôi nhà mặt tiền nhìn hướng Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc này luôn phủ kín bụi than đen kịt, ám khói khét lẹt… tới độ nhiều hộ gia đình buộc phải tính kế cho thuê, chứ chẳng thể sống nổi với thực trạng ô nhiễm môi trường đang hiện hữu từng ngày.
"Gọi tên" Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Làm việc với Đại Đoàn Kết Online, ông Phạm Dương Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc cho hay, đơn vị của ông hoạt động sản xuất công nghiệp, cụ thể sản xuất bột ô xít kẽm với nguyên liệu đầu vào là chất thải nguy hại bụi lò thép.
Vẫn theo ông Quỳnh, trong nhiều năm qua, Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc thường xuyên ký hợp đồng nhận vận chuyển, xử lý khối lượng lớn chất thải nguy hại bụi lò với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên).
Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, tháng 6/2017, căn cứ hợp đồng số 05-16/HĐDV-NT, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) chuyển giao 500 tấn bụi lò luyện thép cho Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc.
Đơn giá tiếp nhận, vận chuyển, xử lý chất thải bụi lò luyện thép là 800.000 đồng/tấn (Đơn giá chưa bao gồm thuế VAT 10%). Được biết, thời điểm này giữ vai trò Giám đốc Nhà máy Luyện thép Lưu Xá là ông Nguyễn Minh Hạnh (hiện ông Hạnh làm TGĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên).
Tới ngày 7/4/2020, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá ký hợp đồng nguyên tắc số 05/2020/HĐ-NT với Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc, để tiếp tục thu gom, chuyển giao, vận chuyển và xử lý bụi lò luyện thép (Mã CTNH: 05 01 01: 05 01 04).
Với hợp đồng này, ông Trần Văn Thịnh giữ vai trò Giám đốc Nhà máy Luyện thép Lưu Xá, đã 2 lần ký chuyển giao tổng cộng 1.500 tấn bụi lò luyện thép cho Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc. Điều đáng lưu ý, cả hai lần chuyển giao này, đơn giá được ông Giám đốc Nhà máy Luyện thép Lưu Xá ký để vận chuyển và xử lý là 0 đồng/tấn.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Trung Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, hiện phía công ty đang thuê Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc thực hiện chuyển giao, vận chuyển và xử lý bụi lò với chi phí xử lý là 600.000 đồng/tấn.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/5/2021, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá đã chuyển giao 3.689.460 kg bụi lò luyện thép cho Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc. Đến ngày 15/6/2021, Nhà máy Luyện gang đã chuyển giao 356.050 kg bụi lò luyện gang cho Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online trên danh nghĩa là đơn vị chủ nguồn thải, ông Trần Văn Thịnh, Giám đốc Nhà máy Luyện thép Lưu Xá cho hay, trước và sau thời điểm ký kết hợp đồng “Thu gom, chuyển giao, vận chuyển và xử lý bụi lò luyện thép”, cán bộ phụ trách môi trường của nhà máy đều đã có những buổi kiểm tra đánh giá năng lực đối với Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc. Tất cả đều ổn nên mới tiến hành ký hợp đồng.
Bản thân ông Thịnh cũng cho biết, không hề hay biết về thực trạng, đã nhiều năm qua, người dân xã Điềm Thụy luôn phải đối mặt, sống chung với nạn ô nhiễm, mà nguyên nhân xuất phát từ quá trình xử lý chất thải nguy hại bụi lò của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc.
Về tình trạng ô nhiễm môi trường đang hiện hữu tại Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc, đơn vị mà Nhà máy Luyện thép Lưu Xá đã ký kết chuyển giao, xử lý hàng nghìn tấn chất thải nguy hại, ông Thịnh cho biết, sẽ liên hệ trao đổi nắm bắt thông tin, sau đó đưa ra những giải pháp cụ thể.
Chính quyền lẫn địa phương mong muốn di dời nhà máy khỏi khu dân cư
Theo tìm hiểu, hơn 10 năm trước, Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc đầu tư số vốn khoảng 20 triệu USD cho những dây chuyền của Nhà máy sản xuất kẽm và kim loại màu Việt Bắc.
Thời điểm đó nhà máy này là niềm tự hào của địa phương trong thu hút và phát triển công nghiệp, đây cũng là nhà máy đầu tiên đầu tư vào Cụm Công nghiệp Điềm Thụy khi đó với quy mô 4 dây chuyền sản xuất tinh luyện kẽm thỏi công suất 10.000 tấn/năm.
Tuy nhiên hơn 10 năm qua, hoạt động của nhà máy luôn vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương. Lý do chính mà người dân đưa ra là ô nhiễm khói bụi, đề nghị cần di dời nhà máy ra khu vực khác hoặc chuyển đổi sang loại hình sản xuất kinh doanh khác phù hợp hơn.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, ông Dương Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy cho hay, không chỉ những hộ dân sinh sống gần khu nhà máy mới bị ảnh hưởng. Ngay cả các cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở Ủy ban xã cách nhà máy mấy trăm mét, mà suốt ngày cũng phải hít thở khói bụi ô nhiễm.
“Trong những lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi tiếp nhận được không biết bao nhiêu là ý kiến phản đối, cũng như sự bức xúc của quần chúng nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc gây ra”, ông Thơm chia sẻ.
Vẫn theo ông Thơm, quan điểm của Đảng bộ và nhân dân xã Điềm Thụy là không để nhà máy công nghiệp nặng nằm giữa trung tâm nữa. Vài năm nữa Điềm Thụy sẽ thành thị trấn, do vậy Đảng bộ và nhân dân sẽ đề nghị các cấp chính quyền là phải di dời ra khỏi địa phương và khu vực này chuyển thành trung tâm thương mại, dịch vụ mới xứng tầm và đúng với tiêu chí của đô thị.
Trong khi đó, theo ông Phạm Dương Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc, việc đánh giá, quan trắc về xử lý chất thải, khói bụi được nhà máy tiến hành định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất công nghiệp nên khó tránh khỏi có những tác động đến môi trường.
Những thông tin liên quan từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Phú Bình đối với công tác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc, sẽ được Đại Đoàn Kết Online phản ánh trong bài tiếp theo.