Xoa dịu những nỗi đau sau chiến tranh
Thăm hỏi, tâm tình với những người có công, các thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chiến tranh ở tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn, chia sẻ với sự hy sinh, mất mát không thể bù đắp của những con người đã quên mình vì sự bình yên của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021), hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), sáng ngày 14/7, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã về thăm, tặng quà một số người là thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng; nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại tỉnh Thái Bình.
Cùng tham gia đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Giang.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tới thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công đang được điều trị, an dưỡng tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần (tại xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thái Bình), thăm hỏi, tặng quà cán bộ, nhân viên của Trung tâm; tới thăm tặng quà gia đình thương binh nặng Lại Thanh Hùng, 67 tuổi, ở thôn Tây Thương Liệt; tới thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chít, 93 tuổi, ở thôn Vĩnh Ninh, cùng xã Đông Tân, huyện Đông Hưng.
Cũng trong sáng cùng ngày, tại hội trường Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo (thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình), Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác đã có buổi gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà 20 gia đình là nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở tỉnh Thái Bình; tặng tiền hỗ trợ xây nhà cho gia đình ông Lê Văn Huynh, 66 tuổi, người Công giáo, ở thôn Đại Hành, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương và gia đình ông Phạm Văn Hán, 74 tuổi, ở xã Vũ Lạc, huyện Vũ Thư (cùng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin).
Cũng tại đây, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao tặng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình số tiền 300 triệu đồng từ nguồn ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, qua đó ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 ở tỉnh Thái Bình.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình cũng trao tặng các suất quà tới những thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên.
Tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Thái Bình, trước rất đông các cựu chiến binh từng chiến đấu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20, nhiều năm qua mang trong mình thương tật cả trong thể chất lẫn tinh thần, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến xúc động, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao, sự hy sinh, mất mát của các cựu chiến binh, thương bệnh binh để đất nước, dân tộc ngày nay được hòa bình, độc lập, tự do.
Người đứng đầu MTTQ Việt Nam bày tỏ mong muốn các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh sớm vượt qua những nỗi đau thể xác, tinh thần, yên tâm điều trị, điều dưỡng và khẳng định Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và địa phương luôn trân trọng, biết ơn, công lao, sự hy sinh, đóng góp của các cựu chiến binh, bệnh binh cho hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc, luôn trách nhiệm, nỗ lực hết mình để chăm lo, bù đắp cho những công lao, đóng góp, hy sinh, mất mát của các thương binh-bệnh binh.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những công việc thầm lặng nhưng ý nghĩa của các cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, khi đang ngày ngày tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, thiết thực xoa dịu những nỗi đau, những mất mát của những thương binh, bệnh binh. Mong muốn các cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn phát huy tinh thần tận tụy, trách nhiệm trong công việc nhiều ý nghĩa này.
“Công việc này không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ mà còn chứa đựng cả tình yêu thương”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhắn nhủ.
Theo các cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm, 67 thương binh, bệnh binh đang được điều trị, chăm sóc tại đây ngoài thương tật trên thân thể hầu hết có sức khỏe tinh thần không bình thường do ảnh hưởng dư chấn của chiến tranh, “khi hồn nhiên, vô tư, khi cáu giận không kiểm soát được hành vi…”
Tại gia đình thương binh nặng Lại Thanh Hùng, nắm chặt tay, gọi người cựu chiến binh đã liên tiếp trải qua, trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, hiện mang nhiều thương tật cả ở mắt, ở đầu, ở lưng, ở vai là "anh", xưng là "em", Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ân cần thăm hỏi sức khỏe, diễn biến của các vết thương trên thân thể người cựu chiến binh nay đã 67 tuổi. Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn trước tinh thần dũng cảm, chiến đấu, hy sinh xương máu của thương binh Lại Thanh Hùng.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự xúc động khi biết dù mang trong mình nhiều thương tật, vợ đã mất nhưng cựu chiến binh, thương binh Lại Thanh Hùng vẫn nuôi dạy 3 con trưởng thành; luôn tích cực, gương mẫu đi đầu, có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. “Anh cố gắng lên nhé!”, ông Đỗ Văn Chiến thân mật siết tay người cựu chiến binh trước lúc chia tay.
Tại nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chít, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác ân cần thăm hỏi, sức khỏe người mẹ có hai con trai đều là Liệt sỹ (Liệt sỹ Lê Văn Truyền, hiện yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Gia Lai; Liệt sỹ Lê Văn Lưu, hiện yên nghỉ tại Nghĩa trang huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước) nay đã 93 tuổi.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến vui mừng khi biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chít vẫn khỏe mạnh, có cuộc sống vật chất đủ đầy, luôn gương mẫu, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, sự hy sinh không gì bù đắp được của Mẹ. Khi Tổ quốc cần, bà đã hiến dâng cả hai người con cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đứng trước rất đông những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Hội trường Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo tỉnh Thái Bình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ, trong số các nạn nhân của chiến tranh, những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin là những người phải chịu nhiều đau thương, khổ ải nhất. Là tỉnh có số lượng người tham gia các cuộc chiến tranh thuộc diện cao nhất cả nước nên số người bị ảnh hưởng, là nạn nhân chiến tranh của tỉnh Thái Bình cũng cao nhất, trong đó riêng số người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin ở tỉnh hiện còn trên 20 nghìn người, cả chục nghìn người khác thuộc diện nghi nhiễm.
“Tôi đã từng tới thăm một gia đình có ông bố có đến 5 con là nạn nhân chất độc da cam. Ông tâm sự với tôi rằng điều ông lo lắng nhất là, theo quy luật, ông sẽ mất trước các con và khi ấy không biết ai sẽ thay ông nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tâm sự.
Từ đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đảng, nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn thấu hiểu nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đã và đang nỗ lực hết mình, thông qua các chính sách để bù đắp lại những đau thương, mất mát ấy. Ông cho biết MTTQ Việt Nam luôn lắng nghe, ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của gia đình các nạn nhân liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách để chuyển đến các cơ quan có chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm xem xét, tháo gỡ, giải quyết.
Thái Bình là tỉnh có truyền thống cách mạng, nổi tiếng với phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong các cuộc chiến tranh, lớp lớp các thế hệ con em Thái Bình đã ra trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, tỉnh Thái Bình có hơn 7 vạn con em là Liệt sỹ, hơn 30 nghìn người phải để lại chiến trường một phần xương máu; gần 30 nghìn người mang di chứng của chất độc da cam-dioxin. Những bài hát ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: “Đất nước”, “Dấu chân tròn trên cát”, “Bài ca 5 tấn”… đều được các tác giả thơ, nhạc lấy thực tế tại tỉnh Thái Bình để sáng tác.