Cờ bạc trá hình bủa vây người dùng mạng xã hội

Minh Thư 14/07/2021 17:24

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến nhu cầu giải trí trên các nền tảng mạng xã hội của người dân tăng cao. Nắm bắt xu thế, nhiều đối tượng cầm đầu các đường dây cờ bạc trực tuyến đẩy mạnh quảng cáo, tung ra nhiều mánh khoé hòng dụ dỗ người chơi thu lợi bất chính…

Mánh khoé chiêu dụ người chơi

Theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021” của công ty về giải trí số công bố, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân phải giãn cách xã hội nên việc chơi game di động phát triển mạnh, hút nhiều người chơi mới. Trong năm 2020 khách hàng dành tổng cộng 168 triệu USD cho việc trả phí mua các ứng dụng game di động trên 2 nền tảng của CH Play và App Store.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, bùng nổ những tựa game thuần tuý giải trí trên 2 kho ứng ụng trên, người dùng còn liên tục bị bủa vây bởi những “sòng bạc online” trá hình bằng nhiều hình thức quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm lôi kéo khơi gợi sự đam mê “đỏ đen” khiến người chơi lao vào như thiêu thân.

Các buổi livestream quảng cáo cho cờ bạc mạng xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Để dễ dàng chiêu dụ người chơi, các trang web và ứng dụng cờ bạc online này sẽ thuê những tài khoản facebook có số lượt theo dõi cao, lượng tương tác lớn hay các hotgirl trên mạng để thường xuyên livestream quảng cáo.

Cụ thể, trang page Facebook “Bé Min...” hay tài khoản Facebook cá nhân “Lê Thị H…” thường xuyên livetream quảng cáo cho rất nhiều tựa game “cờ bạc” trá hình. Mỗi lần livestream thường kéo dài từ 40 phút đến khoảng 1 tiếng thu hút hàng chục ngàn người xem. Nội dung trong các buổi livestream thường giới thiệu, hướng dẫn người xem tải game, cách chơi, cách thức nạp rút tiền, thậm chí còn ngang nhiên chơi thử và rủ rê người xem cược tiền cùng mình.

Rất nhiều chương trình khuyến mãi được đưa ra để chiêu dụ người chơi.

Trong quá trình hướng dẫn người chơi cá cược trong game, khi live chủ nhân các tài khoản trên liên tục nhắc nhở mọi người chia sẻ livestream để được tặng các mã code khác nhau. Khi được tặng các mã code này, người chơi sẽ tiếp tục được chơi các phần chơi tiếp theo mà không cần hoặc nạp tiền ít hơn, nếu tiếp tục thắng với một số tiền nhất định, người chơi sẽ rút được số tiền thật tương ứng về tài khoản.

Theo tìm hiểu của PV, mỗi tài khoản Facebook cá nhân hoặc fanpage tham gia quảng cáo cho các trang web, ứng dụng cờ bạc này có trên 1.000 người theo dõi, số tiền nhận được cho mỗi giờ livestream lên đến 250 ngàn đồng/h với livestream có mặt và 100 ngàn đồng/tiếng nếu không lộ mặt người livestream.

Ngoài ra, các nhà cái còn thuê nhiều tài khoản Facebook cá nhân đăng hashtag tựa game của mình trong status. Mỗi status có gắn hashtag, chủ nhân sẽ nhận 1 triệu đồng, với những tài khoản có lượng người theo dõi càng “khủng”, số tiền nhà cái bỏ ra để PR càng nhiều.

Với mỗi status có để kèm hagtag của tựa game, chủ nhân đăng tải sẽ nhận được khoản tiền từ 1 triệu đồng/một status.

Quy định đã rõ ràng – xử lí ra sao?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho rằng: Game đổi thưởng là một trong những hình thức của đánh bạc trực tuyến. Các trang web cờ bạc online, game đổi thưởng thường chạy quảng cáo trên clip, hình ảnh được đăng ở các trang mạng xã hội cá nhân có lượng người theo dõi, tương tác lớn. Hoặc quảng cáo dạng pop-up (các ô quảng cáo chiếm 1 góc màn hình, tuy không chiếm hết tầm nhìn nhưng làm phân tán sự tập trung của người truy cập) trên các web chuyên đọc truyện, xem phim, chơi game online...

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội.

Ngoài ra, các trang web cờ bạc online còn thuê những cô gái trẻ đẹp đăng tải quảng cáo trên trang cá nhân của họ, rồi chụp hình “nóng” đăng vào các trang, nhóm khác kèm lời khiêu khích “ai muốn xem nhiều hơn thì vào trang cá nhân của em”. Khi nhấp vào trang cá nhân của các cô gái trẻ đẹp đó, sẽ ngay lập tức thấy nhiều nội dung quảng cáo về game đổi thưởng – hình thức cờ bạc online trá hình.

“Việc cá nhân, tổ chức sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau để chơi game đổi thưởng được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo đó, nhà cái có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Trong trường hợp này, người đánh bạc sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; còn đối với nhà cái, người tổ chức đánh bạc có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, Luật sư Tiền cho biết.

Ngoài ra, không chỉ riêng đơn vị tổ chức và người đánh bạc, các dịch vụ quảng cáo tiếp tay cho những dịch vụ này cũng cần bị xử lý nghiêm.

Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 cấm quảng cáo dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép (vì nằm trong danh mục cấm kinh doanh). Những hành vi quảng cáo cờ bạc trên mạng trái phép hiện nay bị nghiêm cấm theo luật quảng cáo của Việt Nam. Điều 50 NĐ 158/2013NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, mức phạt từ 40.000.000 đến 100.000.000 triệu đồng.

Gần đây, tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) cũng quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc”.

Các cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo này.

Các đơn vị thanh toán trung gian có đang tiếp tay?

Một điểm dễ nhận thấy trong hàng loạt các đường dây đánh bạc qua hình thức game đổi thưởng là việc các đối tượng cầm đầu cũng như người chơi đều sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng và mua bán điểm, đổi thưởng ra tiền mặt thông qua giao dịch ngân hàng. Trong quá trình chơi, các đối tượng có thể đổi thưởng để có tiền mặt thông qua đại lý bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng với nhau hoặc qua thẻ cào. Đây chính là phương thức thanh toán của hành vi đánh bạc.

Việc các đối tượng dễ dàng sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện chuyển tiền liên quan đến đánh bạc trực tuyến, đánh bạc trá hình bằng game đổi thưởng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của các ngân hàng cung cấp tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, không thể nói các ngân hàng, ví điện tử đang tiếp tay cho hoạt động cờ bạc mạng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối.

Luật sư Hùng cho hay: “Các ngân hàng, ví điện tử, tổ chức trung gian thanh toán, các hãng viễn thông không quản lý được việc chuyển nhận tiền phục vụ mục đích đánh bạc trực tuyến thì cũng không thể nói họ đang tiếp tay cho hoạt động đánh bạc qua mạng được. Bởi vì có thể các ngân hàng đã cố gắng để quản lý ngăn chặn thật chặt chẽ các giao dịch này nhưng do số lượng giao dịch lớn, nhiều giao dịch có giá trị rất nhỏ và nội dung giao dịch cũng không để cập đến việc đánh bạc hay cá độ và điều kiện vật chất kỹ thuật hạn chế nên các tổ chức đơn vị này khó có thể kiểm soát hết được”.

Ngoài ra, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản gửi đến toàn hệ thống ngân hàng yêu cầu siết chặt quản lý các giao dịch có dấu hiệu bất hợp pháp trong đó có các giao dịch phục vụ hoạt động đánh bạc. Hiện nay chỉ các giao dịch lớn, các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài hoặc nhận tiền từ nước ngoài mới được xếp vào các giao dịch đáng ngờ về rửa tiền và được báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Đối với giao dịch nhỏ thì vẫn còn khoảng trống trong hoạt động kiểm soát quản lý, Luật sư Hùng cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội đánh giá: “Đây là thách thức chung của ngân hàng trên toàn thế giới, để khắc phục được thì các ngân hàng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật để có thể quét hết toàn bộ giao dịch từ nhỏ đến lớn”.

Do đó, ngăn chặn kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp, trong đó bao gồm dịch vụ game lậu, game cờ bạc... là một trong những bước đi quan trọng của cơ quan quản lý trước thực trạng game cờ bạc tràn lan trên mạng và dòng tiền trung chuyển để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp.

Các tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ cần tuân thủ nghiêm Chỉ thị 02/2021 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có yêu cầu tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng.

Các tổ chức cần phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán giám sát, kiểm tra, rà soát các giao dịch thẻ phát sinh tại đơn vị chấp nhận thẻ nhằm ngăn chặn việc giao dịch thẻ không phù hợp quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ,... Đồng thời rà soát, chấm dứt hợp tác và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đơn vị chấp nhận thẻ có hành vi sử dụng thẻ ngân hàng không đúng quy định pháp luật.

“Bên cạnh đó, để tránh việc vô ý tham gia các game đánh bạc, người chơi cần chú ý đến danh mục “game hợp pháp” là các trò chơi điện tử đã được phê duyệt nội dung, kịch bản và được cung cấp bởi các doanh nghiệp đã được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4. Danh mục các doanh nghiệp và trò chơi được cấp giấy phép đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ TT-TT hoặc sở TT-TT các địa phương.

Cá nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ cũng lưu ý không sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng khác lợi dụng việc sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, như cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán, thuê, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ”, Luật sư Tiền cho hay.

Mới đây, trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền Thông đề xuất các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ livestream hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Các mạng xã hội như Facebook, Youtube chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung được sử dụng dịch vụ livestream và bật kiếm tiền khi đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Minh Thư