Gỡ khó chuỗi cung ứng hàng hóa

ĐOÀN XÁ 15/07/2021 07:24

Mặc dù đã có chỉ đạo gỡ khó cho những chuyến xe chở hàng hóa nông sản, thực phẩm nhằm cung cấp cho người dân TP HCM nhưng thực tế, tình trạng khan hiếm hàng hóa vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói, ngay ở các địa phương lân cận như Long An, Đồng Nai... thì các mặt hàng này lại dư thừa, thậm chí đang kêu gọi... “giải cứu”.

Nơi dư thừa, nơi khan hiếm

Hơn chục ngày gần đây, trên mạng xã hội, nhiều nông dân trồng rau ở vùng ngoại ô TP Hồ Chí Minh như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...liên tục nhờ giải cứu rau củ quả. Chị Nguyễn Thị Hạnh - 42 tuổi, chủ vườn rau ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cho biết, chị có khoảng 5.000 mét vuông trồng rau khô (cải, dền, đậu bắp, hành ngò...) nhưng thời gian qua bán rất khó khăn. Bởi rau có thời gian sinh trưởng nhanh, thường nhổ bán từ ngày thứ 15 tới 20. Sau thời gian trên, rau sẽ già úa, khó sử dụng được.

“Thấy trên mạng người ta than thiếu rau mà rau vườn mình lại không bán được, bỏ úa hết. Những mối quen ở chợ nông sản Hóc Môn họ không lấy nữa, giờ nhổ cũng không biết bán cho ai. Từ tuần trước, đứa con gái lớn lên mạng bán rau giùm mẹ, cũng nhiều người đặt nhưng chỉ năm bảy ký. Mình trồng nhiều, mỗi ngày thường xuất khoảng hơn 100 ký lô các loại. Nhiều loại rau đến lúc thu hoạch không nhổ được thì phải chặt bỏ, già quá ăn không nổi”- chị Hạnh cho biết.

Được biết, tình trạng nông dân trồng rau ở khu vực ngoại ô thành phố không bán được nông sản khá phổ biến do chợ đầu mối, chợ truyền thống bị cấm và việc hạn chế người dân ra đường theo Chỉ thị 16. Thực tế, thói quen mua bán hàng hóa thông qua hệ thống chợ truyền thống, chợ tạm ở TP HCM là khá nhiều. Việc đột ngột thay đổi đã khiến nhiều người cung cấp hàng hóa gặp khó khi không tìm được lớp khách hàng quen thuộc.

Nhưng nặng nề hơn là những nông dân ở quanh khu vực TP HCM. Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là nơi cung cấp lượng heo lớn cho TP HCM. Khoảng hơn một nửa thịt heo ở các chợ trên địa bàn TP HCM được giết mổ qua chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, Thủ Đức. Khi chợ dừng hoạt động, hệ thống cung cấp thịt heo gần như đứt gãy hoàn toàn.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tình trạng dư thừa đàn heo ở địa phương đã tới mức báo động. Ngoài việc heo tới tuổi không xuất bán được, nông dân vẫn phải bỏ tiền vốn duy trì đàn. Cách đây hơn một ngày, nhiều nông dân ở Đồng Nai phải kêu gọi “giải cứu” đàn heo bằng cách mở các điểm bán lưu động ở địa phương. Cách Đồng Nai chừng 50 km, hàng nghìn người dân ở TP HCM lại phải xếp hàng và vô cùng khó khăn khi tiếp cận nguồn thịt heo, chưa kể giá cả bị đẩy lên cao.

Bù đắp lỗ hổng hàng hóa

Ngoài việc đóng cửa các chợ đầu mối khiến nguồn hàng bị đứt đoạn thì hệ thống siêu thị ở TP HCM cũng chưa đủ năng lực thay thế hệ thống chợ truyền thống bị đóng cửa. Bởi việc thành phố thay đổi các chiến lược phong tỏa chống dịch khá nhanh nên hệ thống siêu thị không kịp mở rộng, không kịp chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cho nhu cầu người tiêu dùng. Thậm chí ở chiều ngược lại, với khoảng 800 địa điểm bị phong tỏa, có địa điểm tới hàng chục nghìn người nên một phần nhân viên bán hàng, giao hàng, công ty cung ứng... cũng bị “mắc kẹt” trong các điểm phong tỏa khiến công suất siêu thị không đúng như dự báo ban đầu. Ngoài ra, việc mua hàng trong hệ thống siêu thị cũng khó khăn khi thực hiện quy chế “5K” với việc giữ khoảng cách, chờ đợi và chọn lựa.

Để đắp vào lỗ hổng này, chính quyền TP HCM đã cho phép hệ thống siêu thị mở các điểm bán lưu động, bán vỉa hè... Tuy nhiên, phương án này cũng không đáp ứng đủ so với nhu cầu của người mua. Vì vậy, thành phố vừa có chủ trương mở lại một số chợ đầu mối như chợ Thủ Đức, Hóc Môn với những quy định rất nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh chợ nông sản Hóc Môn cho biết, đơn vị này đã trình phương án mở lại một phần chợ và đang chờ Sở Công thương TP HCM phê duyệt.

Theo ông Dũng, đơn vị này sẽ chọn bãi đất trống gần chợ để tập kết xe hàng container nông sản. Các xe giao, nhận hàng sẽ được bố trí cách nhau 4m, tài xế phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Đối với xe ba gác, xe tự chế không được vào lấy hàng trong thời gian này. Tương tự, chợ đầu mối Thủ Đức cũng chọn bãi đất trống để tập kết hàng hóa đến và đi theo hình thức trên. Đây là phương án nằm trong nỗ lực vận hành “luồng xanh” kết nối chuỗi cung ứng nông sản cung-cầu ở nhiều địa phương lân cận và TP HCM đang được các tỉnh, thành phố bắt tay triển khai. Dự kiến, nếu 2 chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn được chính quyền TP HCM cho hoạt động như phương án trên, tình trạng khan hiếm rau củ quả sẽ được giảm nhiệt rất nhiều.

ĐOÀN XÁ