Gặp người hoá giải độc xà
Đến nay, sau gần nửa thế kỷ đã có hàng nghìn người bị rắn độc cắn được lương y Bùi Đức Lục, trú tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cứu sống. Nhưng trong thực tế, số lượng người bị rắn cắn mỗi năm vẫn là sự ám ảnh…
Rắn độc cắn, nỗi đau vô hình
Những ngày gần đây, nhiều vụ rắn độc cắn liên tục xuất hiện khiến người dân xứ Nghệ hoang mang. Đơn cử như tuần trước, một cô gái tuổi đôi mươi phải bỏ mạng vì bị rắn cạp nia cắn, dù được y bác sĩ cứu chữa tuy nhiên người này đã không qua khỏi. Theo đó, vào khoảng 2h sáng ngày 3/7 chị N.T.L. (21 tuổi) trú tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn đang ngủ tại phòng riêng trên tầng 2 nhà mình thì thấy lạnh nên kéo chăn đắp, bất ngờ một con rắn cạp nia ở trong chăn cắn một vết vào cổ chị. Quá hoảng hốt, chị L. kéo con rắn ra thì bị nó cắn tiếp vào cánh tay. Ngay sau đó, nạn nhân nhanh chóng được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, rồi chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để chữa trị. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, do nhiễm độc quá nặng, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Hay mới đây nhất vào đêm ngày 8/7 vừa qua, cháu bé N.T.Q. (5 tuổi) trú tại xã Hưng Đông, TP Vinh trong đêm tối đi ra vườn, không may bị một con rắn cạp nong đen trắng cắn vào chân. Phát hiện, gia đình đã kịp thời đập chết con rắn, đồng thời đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi bị rắn cắn, cháu vẫn tỉnh, có đau nhức ở vùng bị cắn, người nhà đã garo cẳng chân phải và đưa trẻ vào viện. Đến sáng ngày 10/7, sang ngày điều trị thứ 3, cháu N.T.Q. đã ổn định, không sốt, không khó thở, tim nhịp đều, phổi không ran, bụng mềm, gan lách không to, hết đau vùng rắn cắn…
Chúng tôi may mắn được biết ở huyện miền núi Tân Kỳ có lương y Bùi Đức Lục (60 tuổi) có biệt tài chữa rắn độc cắn, ông được người dân ưu ái gọi là “thần y”, “khắc tinh rắn độc”, “vua trị rắn độc”...
Từ cột mốc số 0 trên đường Hồ Chí Minh, ngược ra Bắc 1km, căn nhà cấp 4 của lương y Bùi Đức Lục nằm ngay cạnh vệ đường. Không khó để hỏi, bởi gần 50 năm nay, ai mà không biết ông “Lục rắn”. Bước vào cổng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một cô gái trẻ đang băng bó, xử lý vết thương bị hoại tử cho một người phụ nữ già, bên cạnh có một cháu bé 3 tuổi khóc mếu máo đang được rịt thuốc và cho uống thuốc. Hỏi ra, mới biết đó là vợ và con gái của lương y Bùi Đức Lục. Có khách tới nhưng ông Lục vẫn cặm cụi xoa bóp cho một cụ già quê huyện Thanh Chương vừa bị rắn cắn chiều qua. Người dân sống xung quanh cho biết, cả gia đình ông Lục đều biết chữa rắn cắn, biết chế thuốc, biết nhìn răng cắn đoán rắn.
Hơn 10 ngày bị rắn hổ bành tấn công, bà Nguyễn Thị Thảo (57 tuổi) trú tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn vẫn đang phải “ăn nghỉ” tại nhà lương y để theo dõi. Chỉ bàn chân bị rắn độc cắn, bà Thảo cho biết, khoảng 15h chiều ngày 1/7, khi đang lật tấm gỗ, bà bị con rắn hổ mang cắn vào chân. “Bị cắn đau, tôi nhìn xuống thì thấy con rắn phình mang, tôi gọi người nhà, sau đó lịm dần, nghĩ rằng mình sẽ chết”, bà Thảo chưa hết bàng hoàng. Theo bà Thảo, sau đó, chồng con đưa đi bệnh viện Tây Bắc. Tuy nhiên, đến 21h đêm, bệnh tình nặng hơn, khi biết ông Lục chữa rắn độc cắn, người nhà đã đưa bà xuống đây, tính đến nay đã được 10 ngày. “Giờ thì tôi sống rồi, nhớ lại vẫn sởn cả da gà”- bà Thảo nói.
Phía trong nhà ông Lục là bà Nguyễn Thị Thu, khối 4 thị trấn Lạt đang được ông Lục kiểm tra các chỉ số sau 22 ngày bị rắn lục cắn. Theo bà Thu, hiện đã đỡ hơn nhiều, tuy nhiên, cứ vài ngày bà lại phải qua nhà ông Lục rịt thuốc, xử lý vết cắn. “Sau khi bị rắn cắn, toàn chân trái của tôi bị xuất huyết, lúc đó tôi nghĩ mình không sống nổi, may kịp thời được bác Lục cho uống và đắp thuốc”. Là người từng hoạt động trong nghề y, chính bà Thu khẳng định rằng, trong quá trình hoạt động tại bệnh viện, đã chứng kiến nhiều trường hợp rắn độc cắn không qua khỏi. Nhưng từ khi bác Lục ra tay, hàng trăm người bị rắn độc cắn đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Hóa giải độc xà
Khi thấy đã xong việc, chúng tôi chính thức được tâm sự, trao đổi với lương y Lục rắn. Trước mắt chúng tôi là một lương y nhỏ thó, da đen, mắt lác (ông yêu cầu gọi thế cho thật người). Nhưng nói đến nọc độc, loài rắn, vết cắn, cách chữa... chúng tôi thấy sự minh mẫn, say mê lạ thường của ông. Ông Lục nhớ lại, tính từ lần cứu người đầu tiên đến nay bản thân ông đã trải qua 47 năm chữa rắn cắn. Trước phụ giúp cha, học thêm nghề, dần già tự ông học hỏi thêm. Tuy nhiên, bài thuốc gia truyền này được truyền lại từ chính ông nội của ông. Sau đó, ông nội truyền lại cho cha ông và giờ là đến ông. Đến nay, ông lại truyền dạy cho vợ con, ngay cả người ngoài, ai cần ông cũng truyền dạy. “Cứu người là trên hết, chả nhẽ để họ chết oan”- ông Lục nói ngắn gọn.
Ca bệnh mà ông nhớ nhất chính là vào chiều tối ngày 23/9/2017, ông nghe tiếng điện thoại reo liên hồi, đầu dây bên kia hớt hải nói như muốn khóc rằng: Nhà có người bị rắn cắn, hiện đã phải thở oxy. Qua vài câu hỏi, biết ca bệnh sống tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cách nhà ông khoảng 150km, bị rắn cạp nia (đen trắng) cắn vào chân. Gia đình nạn nhân cho biết là đang trên đường từ nhà sang Tân Kỳ. Vơ vội chiếc áo mỏng và ba lo đựng thuốc, ông bắt xe taxi chạy ngắt đường, với mong muốn gặp người bệnh nhanh nhất.
“Khi đó tôi còn dặn gia đình, cứ thấy chiếc xe nào nháy đèn 4 cái thì đó là tôi”- ông Lục nhớ lại. Chạy hơn 30 phút, khi đến dốc Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, Đô Lương) 2 xe gặp nhau. “Lúc đó, người bệnh đã bắt đầu không mở được miệng, toàn thân tím tái, rất nặng. Bảo người thân mở bằng được miệng cho bệnh nhân, tôi cho uống hết một cốc thuốc, tiến hành rịt thuốc vào chỗ cắn ngay trên xe, tiếp tục về nhà tôi để điều trị, nếu chậm tý nữa, người này sẽ tử vong”- lương y nhớ lại giây phút cứu chữa anh Nguyễn Đức Kỳ (SN 1967) bị rắn cắn lúc đi làm về.
Anh Kỳ cũng xác nhận việc anh được lương y Bùi Đức Lục đưa từ cõi chết trở về 4 năm trước: “Bác ấy đã tái sinh tôi lần thứ 2. Lúc đó, nếu không biết về bác Lục chắc tôi xanh cỏ rồi”. Cùng năm đó, một người phụ nữ mang thai tên là Ngô Thị Liễu (28 tuổi) trú tại xóm 5, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị rắn cạp nia cắn. Điều nguy hiểm, bệnh nhân bị rắn độc tấn công trước ngày sinh một tuần lễ.
“Sau hơn 10 tiếng bị rắn cắn, gia đình mới đưa đến. Lúc này, bệnh nhân đã trở nặng, khó thở, sau 3 phút chèn phổi, liệt cơ hô hấp. Ngay lập tức tôi cho uống thuốc, rịt thuốc, đồng thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để thở ô xy và cùng bệnh viện kết hợp điều trị. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân cũng đến ngày sinh nở”- ông Lục nhớ lại.
Sau mỗi ca bệnh, ông Lục luôn tỉ mỉ ghi rõ vào trong cuốn sổ tên tuổi, quê quán, số điện thoại, loại rắn, triệu chứng... vừa để làm hồ sơ bệnh án, vừa để thăm hỏi người bệnh sau khi về nhà điều trị. Trên giá sách ấy, còn có hàng chục cuốn sách Tây y. Ông nói, nếu không có những cuốn sách đó, ông không thể mở mang kiến thức và viết thành những cuốn sách chia sẻ bí kíp trị độc rắn và một số bệnh nan y bằng thuốc Nam. Điều kỳ diệu là với những bệnh nhân bị hoại tử khá nhiều, sau khi được ông Lục điều trị bằng uống thuốc và đắp rịt thuốc, da thịt được tái tạo tương đối lành lặn so với ban đầu.
Trao đổi với chúng tôi về bài thuốc của lương y Bùi Đức Lục, bác sĩ Hải - Tổng Thư ký Hội Đông y tỉnh Nghệ An cho biết: “Xét trên phương diện bài thuốc dân gian, tôi đánh giá rất cao bài thuốc gia truyền của bác Lục trong việc chữa trị rắn độc cắn. Còn xét về mặt khoa học, cũng như đánh giá về hàm lượng thì đến nay vẫn chưa có tài liệu cụ thể để đánh giá vì việc rắn độc cắn nó liên quan đến tính mạng con người. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, được biết từ trước tới nay, các ca bệnh bị rắn độc cắn mà được bác Lục điều trị, hầu như chưa có rủi ro”.