EU chuyển mình

Hà Anh 15/07/2021 07:41

Đạt được những thành công nhất định chống Covid-19, Liên minh châu Âu đang có nhiều kế hoạch nhằm khôi phục nền kinh tế và xa hơn là kết nối toàn cầu nhằm thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế - đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích an ninh và các giá trị của châu Âu.

Thông qua kế hoạch đầu tư

Ngày 13/7, các Bộ trưởng tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch đầu tư của 12 quốc gia thành viên, trong đó có Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Quyết định này sẽ mở đường cho đợt giải ngân các khoản tài trợ và cho vay đầu tiên của khối này nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

Theo thông cáo của EU, bên cạnh 3 quốc gia thành viên trên, các Bộ trưởng Tài chính của khối cũng “bật đèn xanh” cho các kế hoạch phục hồi kinh tế của Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Latvia, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Slovakia. Đây là đợt thông qua đầu tiên đối với các chương trình đầu tư quốc gia trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi của EU.

Tháng 6/2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt kế hoạch phục hồi sau Covid-19 đối với 12 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) thông qua một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro, nhưng chương trình này cần phải được tất cả 27 quốc gia thành viên liên minh thông qua trước khi EC có thể vay tiền nhân danh EU.

Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Kế hoạch này của EU được cho là mang tính bước ngoặt khi tạo ra một khoản nợ chung giữa các quốc gia thành viên nhằm giúp giảm chi phí đi vay cho các nước thành viên yếu hơn. Kế hoạch được Chủ tịch luân phiên EC, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đánh giá là thể hiện một tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao trong khối EU.

Tây Ban Nha và Italy là hai nước chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ được hưởng phần lớn quỹ phục hồi trên.

Theo Ủy ban châu Âu, Italy sẽ nhận được 191,5 tỷ euro từ EU, bao gồm 68,9 tỷ euro viện trợ không hoàn lại và 122,6 tỷ euro cho vay. Đây là gói lớn nhất cho đến nay, với hy vọng biến Italy trở thành động lực phát triển ở châu Âu. Trong khi đó, việc Tây Ban Nha được tài trợ 69,5 tỷ euro sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Tây Ban Nha vươn lên mạnh mẽ hơn từ đại dịch.

Phần lớn khoản tiền của NextGenerationEU sẽ cung cấp các khoản vay và tài trợ để hỗ trợ các cải cách và đầu tư do các quốc gia EU thực hiện. Mục đích là để giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của đại dịch coronavirus và làm cho các nền kinh tế và xã hội châu Âu bền vững hơn, có khả năng phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh.

Kết nối toàn cầu

Mới đây, ngoại trưởng các nước thành viên EU đã nhất trí triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Âu với thế giới. Đây là bước đi mới nhất sau các thỏa thuận đạt được với Ấn Độ và Nhật Bản cũng như cam kết tương tự của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Chiến lược của EU mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” nhằm thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích an ninh và các giá trị của châu Âu. Kế hoạch kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng vật chất và các khuôn khổ pháp lý.

Bên cạnh đó, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia và khu vực có chung mục tiêu. Dự kiến, EU sẽ đưa ra lộ trình chính thức cho kế hoạch kết nối đầy tham vọng này từ năm 2022.

Trước đó, EU đã ký các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ nhằm phối hợp các dự án giao thông, năng lượng và số hóa kết nối châu Âu và châu Á.

Kế hoạch “Châu Âu kết nối toàn cầu” được công bố sau kế hoạch tương tự mang tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) được các nước G7 đưa ra tại thượng đỉnh ở Anh đầu tháng 6/2021 và về cơ bản, hai kế hoạch này có các tiêu chí và cách tiếp cận tương đồng nhau, từ việc đề cao tính minh bạch tài chính, bảo vệ môi trường lẫn chú trọng vào một quan hệ hợp tác toàn diện và bền vững.

Hội đồng châu Âu tuyên bố, mục đích của kế hoạch này là nhằm kết nối châu Âu với thế giới thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối số, tạo lập các tiêu chuẩn kinh doanh dựa trên luật lệ, đề cao tính minh bạch về tài chính, bảo vệ môi trường, cũng như lan tỏa các giá trị của châu Âu. Vì vậy, đây là một kế hoạch rất tham vọng của EU về cơ sở hạ tầng ở quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, kế hoạch này hiện nay mới chỉ dừng ở mức đưa ra ý tưởng, chứ hoàn toàn chưa có bất cứ lộ trình cụ thể nào. Dự kiến, các quan chức ngoại giao và kinh tế hàng đầu của EU sẽ dành 9 tháng tới để xem xét, đánh giá và lên một danh sách các dự án “có tầm ảnh hưởng cao và thực tế”.

Giới phân tích cho rằng, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của châu Âu trong việc tạo dựng một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu bởi EU còn rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa kế hoạch đầy tham vọng này. Trọng tâm có lẽ sẽ là quy mô tài chính của kế hoạch, cơ chế hợp tác giữa các bên, mức độ mở rộng của các dự án cùng hàng loạt các yếu tố kỹ thuật khác.

Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo sẽ hoãn đề xuất áp thuế kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) đến mùa Thu năm nay nhằm thúc đẩy triển vọng đạt được thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Theo khuôn khổ kế hoạch của mình, EU dự định sẽ áp thuế kỹ thuật số lên hàng trăm công ty kể từ tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, ngày 1/7 vừa qua, Mỹ đã thúc giục EU hoãn áp thuế kỹ thuật số vì cho rằng kế hoạch này sẽ gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về cải cách thuế toàn cầu.

Hà Anh