Sốt xuất huyết ở trẻ em: Không tự ý điều trị
Trong điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em, các bậc cha mẹ cần lưu ý về việc sử dụng thuốc hạ sốt, chỉ nên dùng paracetamol. Tránh dùng những loại thuốc hạ sốt khác có nguy cơ gây rối loạn đông máu, dẫn đến biến chứng chảy máu rất nặng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, người dân thường có tâm lý chủ quan đối với một số bệnh, dịch khác, coi đó là các bệnh thường gặp như sốt xuất huyết. Và người mắc có thể bị nặng nếu điều trị sai cách, dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đặc biệt là đối với trẻ em, nếu bị sốt xuất huyết, cha mẹ không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nặng, khó kiểm soát.
Phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc trao đổi với TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương về những lưu ý trong điều trị sốt xuất huyết cho trẻ.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra vào mùa nào trong năm? Đối với mỗi đợt dịch, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận bao nhiêu ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ em?
TS. BS Đỗ Thiện Hải: Từ khoảng 60 năm nay trở lại đây, bệnh sốt xuất huyết vẫn thường xảy ra vào cuối mùa xuân sang mùa hè, hoặc cuối mùa thu sang mùa đông bởi đây là thời gian thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết phát triển.
Thường theo dịch tễ học ở Việt Nam, số lượng các ca bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra ở miền Nam lớn hơn nhiều so với miền Bắc. Bởi có một số yếu tố thuận lợi cho muỗi phát triển là mưa rào và tạo ra những vùng nước đọng sạch, là những nơi muỗi có thể sinh sản phát triển, tạo ra những con muỗi lây truyền sốt xuất huyết.
Ở miền Bắc, số lượng các mắc bệnh sốt xuất huyết thường ít hơn. Ở trẻ em, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương 1 năm ghi nhận số lượng trẻ em mắc sốt xuất huyết từ dao động từ khoảng 60 đến 300 ca bệnh nằm viện điều trị.
- Ông có thể chia sẻ về những biến chứng thường gặp ở trẻ em khi bị sốt xuất huyết? Chúng ta cần lưu ý điều gì trong điều trị cho trẻ bị mắc căn bệnh này?
Các biến chứng thường gặp ở trẻ em khi mắc sốt xuất huyết chủ yếu là tình trạng giảm tiểu cầu nặng, gây nên tình trạng chảy máu như chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa (chảy máu dạ dày, chảy máu ruột non). Còn một biến chứng khác cũng khá nặng thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết là tình trạng sốc. Đó là khi mắc bệnh, các em bé gặp tình trạng thoát dịch ra khỏi lồng mạch làm cho máu cô đặc, giảm tính tuần hoàn.
Để khắc phục tình trạng này, tránh cho trẻ em sốt xuất huyết không gặp phải những biến chứng trên thì chúng ta cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất là cố gắng phòng bệnh bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh cho sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra những vùng có nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Thậm chí, có người đã từng tìm thấy muỗi ở trong những lọ hoa cắm trên bàn thờ.
Thứ hai là khi trẻ em bị mắc sốt xuất huyết thì cần đi khám nhân viên y tế để được tư vấn một số vấn đề về chăm sóc. Đặc biệt là về việc dùng thuốc hạ sốt, chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không dùng loại khác bởi những loại thuốc hạ sốt khác có nguy cơ gây rối loạn đông máu, dẫn đến biến chứng chảy máu rất nặng.
Trẻ bị sốt xuất huyết cũng cần uống nhiều nước để bù lại cho khối lượng tuần hoàn đã bị thoát ra khỏi lồng mạch, giảm nguy cơ cô đặc máu, đảm bảo thể tích tuần hoàn, hạn chế việc dẫn tới tình trạng sốc. Một số những biến chứng nặng khác là suy gan, suy thận. Những biến chứng này thì ít gặp ở trẻ em miền Bắc.
- Trong quá trình điều trị cho trẻ bị sốt xuất huyết, ông đã từng gặp những ca bệnh có biến chứng nặng như thế nào? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những biến chứng đó?
Trong khoảng 3 năm gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương không gặp trường hợp trẻ em mắc sốt xuất huyết bị biến chứng nặng lắm. Trước đây, cũng đã có trường hợp tiểu cầu giảm quá nặng, kèm theo việc sử dụng thuốc hạ sốt không đúng. Bởi các bậc cha mẹ thường sốt ruột, khi hạ sốt bằng thuốc paracetamol không đỡ, vẫn sốt cao 39 – 40 độ nên chuyển sang dùng các loại thuốc hạ sốt chống viêm khác thì những loại thuốc này có gây rối loạn đông máu, cầm máu.
Khi tiểu cầu giảm, làm giảm khả năng cầm máu, chúng ta lại dùng thêm thuốc hạ sốt chống viêm khác có tác dụng phụ như trên để hạ sốt thì dẫn đến tình trạng chảy máu rất nặng, em bé có thể nôn ra máu với khối lượng lớn, thậm chí đi ngoài ra máu. Sau khi ngừng các loại thuốc hạ sốt kháng viêm, tình trạng chảy máu sẽ giảm dần.
Trân trọng cảm ơn ông !