Ban Kinh tế Trung ương: Nỗ lực trong khó khăn

M.Loan 15/07/2021 14:22

Ngày 15/7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Phó Trưởng Ban cùng đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban.

Hoàn thành khối lượng công việc lớn

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi có được, nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nước ta vẫn đang thực hiện được “mục tiêu kép” bảo đảm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực; các giải pháp ngăn chặn, phòng chống dịch được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh chung đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tham mưu thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ biên tập; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai khai xây dựng nhiều đề án, trong đó có các đề án lớn như: Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 4); Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5); Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (trình Hội nghị Trung ương 6); Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (trình Bộ Chính trị năm 2021); Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020" và Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010... Các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị được Ban Kinh tế Trung ương tập trung triển khai quyết liệt với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao.

Ngoài tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao theo kế hoạch, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất của Ban về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu được nêu tại Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai nghiên cứu để tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với 63 nội dung, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan. Các ý kiến thẩm định, tham gia của Ban Kinh tế Trung ương nhìn chung có chất lượng, thể hiện quan điểm rõ ràng, qua đó giúp các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền có thêm cơ sở xem xét, quyết định, nhất là các vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất, công tác theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tiếp tục được Ban quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Thông qua theo dõi, giám sát, Ban Kinh tế Trung ương đã phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế, xã hội, từ đó kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để các chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời thông tin, trao đổi để các cơ quan chức năng kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế.

Tiếp tục chủ trì xây dựng 7 đề án

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh, với vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì xây dựng 7 đề án trình BCH Trung ương khóa XIII và trình Bộ Chính trị trong năm 2021; gần đây Ban tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để trình Bộ Chính trị trong quý I/2022. Có thể thấy, đây là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án. Mặc dù trong điều kiện công tác còn có những khó khăn nhất định, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Ban, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ban đã nhận thức rõ được trách nhiệm cá nhân trong từng hoạt động, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Ban Kinh tế Trung ương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và sự phối hợp hiệu quả của các ban đảng, các bộ, ngành, địa phương...

Trước những khó khăn, thách thức như vậy, để có thể hoàn thành các nhiệm vụ của Ban trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị trong 6 tháng cuối năm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Qquán triệt sâu sắc và có kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Ban Kinh tế Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2021 đã đề ra, cần dành sự ưu tiên cao nhất cho việc triển khai xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị năm 2021, đặc biệt là Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (trình Hội nghị Trung ương 4).

Tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Ban những vấn đề mới, những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy, kiện toàn cấp ủy Đảng của Ban đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Trong điều kiện biên chế của Ban còn hạn chế, cần nghiên cứu, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, huy động đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Ban.

Tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh các hoạt động đoàn thể bằng những hình thức phù hợp, tạo không khí phấn khởi, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ, qua đó góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

M.Loan