Thỏa thuận hạt nhân Iran: Chưa rõ ràng
Đã 6 năm kể từ khi Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) ký kết thuận hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) tại Vienna (Áo) vào năm 2015, các bên ký kết vẫn chưa thể đi đến thống nhất cho sự trở lại của thỏa thuận kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi năm 2018.
Tạm dừng đàm phán
Ngày 15/7, Reuters dẫn một nguồn ngoại giao cho biết, Iran chưa sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về việc khởi động lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho đến khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi chính thức vận hành.
Nguồn tin cho biết, Iran đã thông báo tin này đến các quan chức châu Âu, những người đóng vai trò là người đối thoại trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran. Phía Iran cho rằng, các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ không tiếp tục cho đến giữa tháng 8 tới.
Bắt đầu từ tháng 4, các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay có tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện Chung (JCPOA) đã được tái khởi động. Tuy nhiên, dường như mọi chuyện đã trở nên bế tắc kể từ vòng đàm phán thứ 6 vào ngày 20/6, không có dấu hiệu thỏa thuận có thể được nối lại.
Thỏa thuận mà cựu Tổng thống Barack Obama đã đàm phán và cựu Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ, tạo ra sự cân bằng giữa việc Iran chấp nhận các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ.
Bình luận trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price xác nhận, Iran đã yêu cầu thêm thời gian để hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục đàm phán nhưng Iran yêu cầu thêm thời gian để hoàn thành việc chuyển giao tổng thống của họ”, ông Ned Price nói và cho biết thêm, “khi Iran hoàn tất quy trình, chúng tôi sẵn sàng lên kế hoạch quay trở lại Vienna để tiếp tục đàm phán”.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống đương nhiệm Iran Hassan Rouhani đã nhắc lại việc nước này sẵn sàng làm giàu uranium lên tới 90%.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm 15/7, ông Rouhani khẳng định: “Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI) có thể làm giàu uranium lên 20% và 60% và thậm chí, nếu một ngày nào đó lò phản ứng của chúng tôi cần, nó có thể sản xuất 90% uranium”.
Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani cũng khẳng định, tuy Tehran có khả năng nâng mức độ làm giàu uranium của mình lên 90% nhưng không nhằm mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi có thể làm giàu uranium lên đến 90% ngay lập tức. Chúng tôi vẫn khẳng định, các hoạt động hạt nhân của Iran là hoàn toàn hòa bình, chúng tôi tuân thủ lời nói của mình và không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân” - ông Rouhani nói.
Điều này được đưa ra sau khi Iran thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về ý định làm giàu uranium lên 60% càng sớm càng tốt, một thông báo được Mỹ và các nước châu Âu tham gia ký gọi đây là một “bước thụ lùi đáng lo ngại nhìn từ quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Iran bắt đầu làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào ngày 8/5/2018 và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chứng kiến các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế được hạ thấp đối với Iran để đổi lấy cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân và chấp nhận các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc sản xuất uranium tinh chế của nước này.
Những dấu hiệu đáng mừng
Dù triển vọng của vòng đàm phán thứ 7 nhằm nối lại Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn chưa rõ ràng, song cả Mỹ và Iran đều chắc chắn đang hướng đến những nỗ lực nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động toàn diện chung như tuyên bố mới đây của Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi cho thấy, Iran sẽ không làm lệch hướng các nỗ lực nhằm khôi phục và thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Ngày 15/7, chính quyền Mỹ thông báo đã cho phép Iran sử dụng các tài khoản bị phong tỏa để giải quyết những khoản nợ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Động thái này diễn ra giữa lúc cộng đồng quốc tế hy vọng Iran và các cường quốc thế giới sớm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau tiến trình đàm phán kéo dài ở Vienna, Áo.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp nhận những khoản thanh toán từ các tài khoản của Iran đang bị Washington phong tỏa. Các khoản tiền này thanh toán cho số hàng xuất khẩu sang nước Cộng hòa Hồi giáo trước năm 2019.
Thông báo trên được công bố sau khi ngày 15/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ký quyết định miễn trừng phạt và gia hạn thêm 90 ngày đối với việc sử dụng những khoản tiền bị phong tỏa để thanh toán cho các khoản nợ, song không cho phép chuyển số tiền này về Iran. Hàn Quốc và Nhật Bản đang giữ hàng tỷ USD tài sản của Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, ngày 12/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, Tehran đang đàm phán với Mỹ về việc trao đổi tù nhân.
“Việc thả những người Iran bị giam giữ ở Mỹ và một số nước phương Tây khác luôn nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề nghị trao đổi tù nhân Iran và Mỹ từ lâu. Các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành” - ông Saeed Khatibzadeh nói.
Hoạt động trao đổi tù nhân là vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ Iran-Mỹ. Hoạt động này đã được thực hiện một lần vào năm 2016, một năm sau khi Kế hoạch Hành động toàn diện chung được ký kết và một lần nữa vào năm 2019.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ hy vọng người kế nhiệm ông - Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi, có thể đạt được thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Rouhani cũng nhấn mạnh, Chính phủ của ông “đã thực hiện những gì được yêu cầu” để hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và người dân Iran có thể thấy rõ những nỗ lực đó.