Thăm thẳm Son Bá Mười
Sau ngót 10 năm tôi quay trở lại, Son Bá Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) vẫn đẹp nguyên sơ như trong ký ức. Vẫn những loài hoa dại không tên bung nở trải khắp thung lũng giữa thảm ngô áy vàng đang vào vụ thu hoạch. Có đường giao thông, có điện chiếu sáng, đồng bào ở đây đã không còn đói ăn, thiếu mặc như 10 năm về trước…
Những tiềm năng còn say ngủ
Sau cơn mưa chiều bất chợt, nắng từ đỉnh trời như rót một lớp mật ong màu hổ phách, phủ xuống thung lũng. Con đường bê tông uốn lượn chạy từ đầu bản Son đến cuối bản Bá như một nét vẽ màu chì chấm phá giữa nguyên sơ.
Từ lưng chừng núi, những thảm ngô vàng áy, báo hiệu đang vào mùa thu hoạch, xen lẫn với những ruộng rau màu mỡ, ngăn ngắt nối nhau chạy mãi xuống bình nguyên xa xôi. Khuất sau rặng trúc, khói lam chiều từ những nếp nhà sàn bạc màu thời gian đã bắt đầu vương vít vào thinh không… Son - Bá - Mười như một bức tranh trong trẻo và bình yên đến lạ.
Trong căn nhà sàn khá khang trang, nằm tách biệt phía cuối bản Mười, Trưởng bản Ngân Mạnh Hùng sau phút xã giao đã không giấu giếm niềm vui trong nụ cười hào sảng. Cũng đã khá lâu, bản mới có khách lạ ghé lại. Anh bảo: So với 10 năm về trước, Son - Bá - Mười đã có nhiều đổi thay, bà con dân bản không còn thiếu ăn, thiếu mặc.
Đặc biệt, từ dăm năm trở lại đây, nhà nước không còn phải hỗ trợ lương thực cho đồng bào vào mỗi đận giáp hạt. Trong bản, hơn 90% hộ dân đã có ti vi, xe máy để thuận tiện cho việc giao lưu với thế giới bên ngoài, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn trên 10%. Anh Hùng tự hào: “Kết quả chỉ vậy thôi nhưng nó là nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương và bà con dân bản trong suốt nhiều năm trời đấy!”.
Vốn là 3 bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Bá Thước, nhưng Son - Bá - Mười được thiên nhiên ưu ái cho một địa hình bằng phẳng trên đỉnh dãy Pù Luông, nơi có một nền khí hậu se lạnh, ổn định suốt quanh năm. Nhờ những điều kiện ấy, những nông sản hết sức bình dị của đồng bào ở đây như: Cà chua, rau cải, nếp nương, ngọn su su, măng, lợn cỏ, gà, vịt… đều mang một hương vị đặc trưng riêng và trở thành những đặc sản không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào khác.
Trước những lợi thế này, nhiều kế hoạch, dự án nông nghiệp, du lịch được Nhà nước hoạch định và đưa vào áp dụng thực tế, với mục tiêu giúp Son - Bá - Mười thoát nghèo nhưng đều thất bại từ khi còn trong trứng nước. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng như đường giao thông và điện lưới quốc gia.
10 năm trước, con đường duy nhất dẫn từ trung tâm xã đến Son - Bá - Mười là đi bộ cắt rừng mất nửa ngày mới đến nơi. Son - Bá - Mười như một ốc đảo nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong một khoảng thời gian dài, nền kinh tế của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp, con em đến tuổi đi học không được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 70%.
Nay, Son - Bá - Mười có sự đổi thay rõ nét khi dự án làm đường giao thông Ban Công - Cao Sơn chính thức được đưa vào sử dụng. Con đường dài hơn 12 km vắt vẻo xuyên rừng, từ trung tâm xã Lũng Cao lên Cao Sơn có ý nghĩa thực sự như một “cuộc cách mạng”. Có đường, các mặt hàng nông sản của bà con đã dễ dàng mua bán, trao đổi, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Dẫn tôi đi một vòng quanh khu nhà sàn khá khang trang, sạch sẽ, có đủ nhà vệ sinh tự hoại, nhà tắm nóng lạnh và đặc biệt là chiếc giếng mới khoan luôn ăm ắp nước của mình, anh Hùng kể: Tất cả những điều kiện vật chất này đều được anh và vợ ấp ủ cho dự án du lịch cộng đồng từ 6 năm trước. Ban đầu có vài đoàn khách đến lưu trú lại.
Nhưng rồi, mùa nối mùa, khách đến cứ thưa dần rồi không thấy nữa. Minh chứng rõ nhất ở đây là đã hơn 5 năm trôi qua, nhà mình chưa có bất cứ đoàn khách nào lưu trú lại. Trong bản còn có gần 10 hộ dân khác làm du lịch cộng đồng cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự.
Nguyên nhân ư? Cái chính là mình chưa đủ cơ sở vật chất, điểm nhấn để thu hút và níu chân du khách. Thêm vào đó, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp, không có không gian riêng khiến cho khách chỉ đến một lần rồi rời đi mà không hẹn ngày trở lại.
Vậy là sau gần 10 năm tôi trở lại, Son - Bá - Mười như đang hoà vào đời sống chung của một xã hội phát triển, lưới điện quốc gia được xây dựng từ cuối năm 2020 với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng nhưng mới chỉ đủ cấp cho 2/3 vùng đất. Song, Son - Bá - Mười vẫn còn đó những dự định lớn lao được ấp ủ.
Đánh thức “nàng công chúa”
Hầu như tất cả những người từng một lần đến Son - Bá - Mười mà tôi đã gặp, họ đều ví nơi đây như một Sa Pa thu nhỏ đang bị lãng quên của xứ Thanh, một “nàng công chúa” còn say ngủ giữa đại ngàn. Tuy nhiên, làm cách nào để đánh thức vùng đất này vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Là người thầy giáo đã tham gia cõng từng viên gạch lên xây điểm trường, cắm bản vận động học sinh đến lớp giữa những mùa đông căm căm rét buốt từ hơn 10 năm trước, anh Trịnh Văn Dũng- Chủ tịch xã Lũng Cao hiểu vùng đất này như hiểu chính bản thân mình. Những dự định lớn lao để thay đổi vùng đất khó được anh và nhiều thế hệ cán bộ xã, huyện ấp ủ, thai nghén nhưng tất cả đều bị xếp lại chỉ vì một nhẽ, “cái khó nó bó cái khôn”.
Bên cạnh đó, các dự án mang tầm quốc gia như 135, 30A... đến với Son - Bá - Mười chỉ như làn gió thoảng qua, đem lại phần nào sự thay đổi ở bề nổi. Còn những vấn đề mang tính căn cơ, quyết sách để thay đổi một cách toàn diện thì các chương trình này chưa thể chạm tới.
Vậy đâu là kế sách mang tính bền vững để phát huy hết những tiềm năng vốn có của Son - Bá - Mười trong thời gian tới?- tôi hỏi anh. Sau một hồi trầm ngâm, anh Dũng chậm rãi: Hiện tại, 3 bản có 190 hộ dân với 787 nhân khẩu.
Để đồng bào có thể tự túc lương thực và hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, trước mắt huyện, xã phải tiếp tục khuyến khích bà con chuyển đổi mô hình canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như lâu nay sang canh tác tập trung trên diện tích hơn 120 ha đất nông nghiệp, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc công nghiệp vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.
Hiện nay xã đấu mối với một doanh nghiệp tiêu thụ nông sản sạch tại Hà Nội. Họ đã cam kết sẽ đảm bảo đầu ra, bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông sản như: Rau, củ, quả sạch, các mặt hàng từ gia súc, gia cầm được sản xuất đúng quy trình tại Son - Bá - Mười.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy sản xuất cũng như khuyến khích nguồn lao động chất lượng tại chỗ, UBND xã Lũng Cao đã chọn được 3 em học sinh, gửi xuống trường trung cấp nông lâm, học tập. Sau khi học xong sẽ về, áp dụng những kiến thức đã học được lên chính đồng đất quê mình.
Giải pháp về lâu dài, Bá Thước cũng đã xác định và định hướng phải phát huy cho được những giá trị, tiềm năng về du lịch của Son - Bá - Mười. Cụ thể ở đây là mô hình du lịch cộng đồng, các hometays nghỉ dưỡng kết hợp với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau khi có điện lưới, một số doanh nghiệp làm du lịch đã vào khảo sát thực địa và lên phương án đầu tư vào đây. Song song, để bà con có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trong làm du lịch cộng đồng. Mới đây, xã đã tổ chức đưa một số chủ hộ đến các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thăm quan, học tập kinh nghiệm.
“Hiện nay, chúng tôi đang khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch theo đề án của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình làm, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hạn chế và không đưa bê tông, cốt thép vào xây dựng.
Điều này có thể phá vỡ cảnh quan tự nhiên cũng như làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của người bản địa. Dù còn rất gian nan nhưng hi vọng, trong một ngày không xa, Son - Bá - Mười sẽ đến được đích mà mình đã lựa chọn!”, anh Dũng chia sẻ thêm.