Gia tăng số người rút BHXH một lần: Thắt chặt không phải là giải pháp
Trước tác động dịch Covid-19, thay vì nhận hỗ trợ học nghề để tìm việc làm mới, nhiều lao động chọn cách rút bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng rút bảo hiểm một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh.
Nhiều lý do rút ‘của để dành’
Có mặt tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội từ sớm, chị Nguyễn Thu Hằng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội mong tìm được công việc sau 2 tuần ngược xuôi tìm việc không thành. Chị vốn là kế toán cho công ty xây dựng, nhưng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty ngày càng sa sút, chị buộc phải tạm nghỉ không lương. Mặc dù đã được cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) tư vấn, nhưng chị vẫn quyết định làm thủ tục hưởng BHXH một lần, không chọn giải pháp chuyển sang tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Sau 12 năm đóng bảo hiểm, rút một cục về cũng được khoản khá, chị dành một phần mua một chiếc xe máy cho con, số còn lại chị mở hàng thực phẩm bán hàng online. Dù có kinh nghiệm về quản lý tài chính, nhưng lại yếu khoản công nghệ, thế nên sau 4 tháng, sạp hàng điện tử buộc phải dừng vì tương tác thấp, không có khách.
Bán hàng online không hiệu quả, chị chuyển qua thuê cửa hàng, nhưng vừa mở được 1 tháng thì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến. Bao nhiêu vốn liếng rút từ “của để dành” đều đổ vào đó. Và rồi từ đầu tháng 7, chị đành ngậm ngùi bỏ, vì thu không đủ tiền thuê mặt bằng.
Rút BHXH một lần - đang trở thành thực trạng đáng lo ngại, khi mà trong giai đoạn 2016-2020, cứ 2 người tham gia vào hệ thống BHXH thì 1 người lại rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng. Trung bình mỗi năm gần 750.000 người rời khỏi hệ thống an sinh, chọn BHXH một lần thay vì chờ hưu trí.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, có đến 561.570 người hưởng BHXH một lần. Con số này phản ánh thực tế, số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng do nhiều lao động mất việc làm do đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay đã đủ điều kiện hưởng…Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít lao động chọn rút một cục do tâm lý.
Liên quan đến tình trạng rút BHXH một lần, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, rút BHXH một lần vì vấn đề kinh tế - đây chỉ là một lý do, còn tìm hiểu thực thế thì tình trạng rút BHXH một lần là do người dân chưa thực sự hiểu hết giá trị của việc tham gia BHXH.
Đơn cử như tại Đồng Nai, kinh tế không phải khó khăn, mức bình quân tiền lương 7 triệu đồng/tháng và lương tối thiểu vùng 4,2 triệu đồng/tháng - cao hơn rất nhiều các vùng khác, nhưng người lao động ở Đồng Nai lại rút BHXH một lần nhiều. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 41 ngàn người rời khỏi hệ thống BHXH từ việc nhận BHXH một lần.
Chỉ riêng trong tháng 5/2021, toàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 5,5 ngàn người hưởng chế độ BHXH một lần. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 25,7 ngàn người lao động nhận BHXH một lần, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Hệ lụy sướng trước, khổ sau
Chia sẻ về tình trạng rút BHXH một lần ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Ngọc Ánh bày tỏ: “Nhìn những con số dời bỏ hệ thống BHXH, chúng tôi vô cùng sốt ruột và lo lắng. Mỗi khi có người đến làm thủ tục BHXH một lần, cán bộ, chuyên viên BHXH đều tư vấn kỹ lưỡng và đưa ra các hướng để người dân lựa chọn giải pháp phù hợp cho mình, tuy nhiên, hàng năm số lượt rút BHXH một lần vẫn gia tăng. Đáng lo ngại độ tuổi rút BHXH một lần ngày càng trẻ hóa. Nếu như năm 2015, chỉ có 8.275 hồ sơ của người có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm đăng ký hưởng BHXH một lần (chiếm 11% tổng số hồ sơ hưởng BHXH một lần) thì đến năm 2020 tăng lên 24.915 hồ sơ (chiếm 22,3%). Tuổi đời trung bình của người hưởng BHXH một lần năm 2015 là 39,9 thì đến năm 2020 chỉ còn là 35,4 tuổi”, ông Ánh thông tin.
Theo các chuyên gia lao động, tình trạng rút BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Ngoài ra, nhận BHXH một lần, thì người lao động không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, vì người được hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian được hưởng lương hưu.
Thắt chặt không phải là giải pháp
Trước việc số người rút BHXH một lần ngày càng gia tăng, mới đây Bộ LĐTB&XH đề xuất quy định, cắt giảm 50% nếu rút BHXH một lần để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Tuy nhiên quy định này dù mới ở giai đoạn đề xuất xin ý kiến đã vấp phải những ý kiến không đồng tình của các chuyên gia cũng như của người dân.
Mặc dù lo lắng tình trạng lưới an sinh xã hội thiếu bền vững khi số người rút BHXH một lần gia tăng, nhưng theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần, rất cần có những giải pháp khác đồng bộ khác, chứ không phải chỉ là cắt giảm chế độ.
“Nếu cắt giảm 50% mức hưởng, sẽ là một chính sách rất sốc cho người lao động. Tôi cho rằng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội là phải có tính kế thừa, việc sửa đổi cần có bước đi, lộ trình, còn nếu như đề xuất hiện nay là quá sốc”, ông Quảng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo thẩm định Đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách. Nhất là về lộ trình giải quyết chế độ BHXH một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động.
Để hạn chế người dân rút BHXH một lần, theo BHXH Việt Nam, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, cùng với tác động kinh tế khiến nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH. Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế.
Chính vì thế, nếu thay đổi phương án giảm dần số năm đóng BHXH sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. Người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để họ tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già.