Băn khoăn việc mở sân bay thứ hai ở Thủ đô
Trong văn bản góp ý quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị quy hoạch sân bay thứ hai vùng thủ đô đặt tại huyện Ứng Hòa.
Dự báo dân số Hà Nội tăng lên 10 triệu người đến năm 2050, việc tập trung hành khách vào sân bay Nội Bài sẽ làm tăng lưu lượng qua các đường vành đai, trong khi thành phố còn quỹ đất ở phía Nam. Do vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét công suất cảng hàng không Thủ đô đạt khoảng 130-150 triệu hành khách mỗi năm, đến 2050.
Hai phương án được UBND TP Hà Nội đề xuất gồm: Thứ nhất, quy hoạch phát triển sân bay Nội Bài với quy mô khoảng 65 triệu hành khách/năm, đồng thời quy hoạch sân bay thứ hai tại khu vực phía Nam thành phố với công suất 65 triệu hành khách/năm.
Thứ hai, Bộ GTVT xác định quy hoạch nâng công suất sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm, Hà Nội vẫn đề nghị nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ hai với công suất đạt 50 triệu hành khách đến năm 2050 để địa phương có cơ sở chuẩn bị quỹ đất xây dựng.
Đây là lần thứ hai Hà Nội đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa vì đảm bảo khoảng cách giữa Nội Bài phía Bắc và sân bay thứ hai phía Nam là 54 km, cách sân bay Miếu Môn, khu vực trường bắn Miếu Môn ở phía Tây Bắc khoảng 20 km, cách các dãy núi đá Trung Sơn, Vĩnh An phía Tây khoảng 14 km.
Với kiến nghị quy hoạch sân bay thứ hai vùng thủ đô đặt tại huyện Ứng Hòa, UBND TP Hà Nội lý giải: Địa điểm này thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc phía Đông, đường vành đai 5 vùng thủ đô, quốc lộ 5, quốc lộ 7A), đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường thủy (sông Hồng và cảng Phú Xuyên - Vạn Điểm).
Việc giải phóng mặt bằng tại đây cũng thuận lợi vì khoảng 1.300 ha chủ yếu là đất nông nghiệp, diện tích giải phóng mặt bằng tại khu dân cư thấp.
Hiện Bộ GTVT đã giao các đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể các kịch bản quy hoạch sân bay Nội Bài cùng phương án nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô. Trên cơ sở phân tích, các đơn vị đánh giá vị trí huyện Ứng Hòa khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới vì không đáp ứng các tiêu chí đặt ra.
Theo đó, vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.
Về thời điểm nghiên cứu sân bay thứ hai vùng thủ đô, Bộ GTVT đề nghị sẽ xác định vị trí sân bay này sau năm 2040. Trước đó, ngày 3/3, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050”.
Ý kiến của KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, theo như bản Góp ý nội dung quy hoạch sân bay sau năm 2040 mới đưa vào quy hoạch là không phù hợp và không thấy được vị thế của Thủ đô.
Sân bay thứ 2 phải được xem xét ở 3 vị trí: Ứng Hòa; Hải Dương và Phủ Lý. Theo đánh giá, thì vị trí ở Hải Dương có vẻ phù hợp là địa điểm quy hoạch sân bay thứ 2 của Thủ đô.
Mặt khác, nếu không có quy hoạch thì không có cơ sở để giữ đất được (ví dụ như sân bay Long Thành) hoặc việc mở rộng phía Nam sân bay Nội Bài là rất khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng của 647 ha khi mà ở khu vực này có mật độ dân cư đông đúc (mặc dù đã được quy hoạch hàng chục năm trước đây).
Vì vậy đề nghị sân bay thứ 2 ở Thủ đô nên được nghiên cứu đưa vào quy hoạch, lựa chọn địa điểm chính xác khi đã có tiêu chí về đường bay, không gian kiểm soát, đất đai, phương án đền bù giải tỏa, tính chất cơ lý của đất đai (độ nén của đất). Nên chọn quy hoạch để được phê duyệt.
Vào thời điểm này, về phía dư luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc mở thêm sân bay sẽ rất tốn kém kinh phí về việc đền bù, xây dựng, đầu tư đường giao thông. Do đó, nên mở rộng sân bay Nội Bài sẽ giải được bài toán kinh tế một cách hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhìn sang Thái Lan, với việc mở rộng, cải tạo sân bay Suvarnabhumi Bangkok, qua 4 lộ trình quy hoạch, quốc gia này dự kiến đưa sân bay Suvarnabhumi trở thành Trung tâm hàng không, vận chuyển hành khách và hàng hóa hàng đầu Đông Nam Á.
Trở lại với Hà Nội, giải pháp phù hợp là mở rộng quy mô tại sân bay Nội Bài và chỉ cần 50% số tiền xây sân bay mới để nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại cho khu vực quanh Hà Nội. Cách này sẽ vừa tiết kiệm được ngân sách, chi phí cho đến nguồn nhân lực...