Những trường hợp chung cư cũ phải phá dỡ, xây dựng lại
Không kể những trường hợp thiên tai, hoả hoạn thì các nhà chung cư cũ hết niên hạn sử dụng hoặc còn hạn sử dụng nhưng có nguy cơ sập đổ... sẽ phải di dời, phá dỡ để xây dựng lại.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Theo đó, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy định gồm: Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác nếu gặp sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, nhà chung cư bị hư hỏng nặng, kết cấu chịu lực chính công trình, hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, cấp điện... xuất hiện tình trạng hư hỏng, dẫn tới nguy hiểm trong vận hành, khai thác thì buộc phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn sử dụng.
Nhà chung cư có kết cấu chịu lực chính xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng... cũng sẽ phải di dời khẩn cấp các hộ dân sinh sống trong khu nhà.
Trường hợp khu nhà chung cư bị hỏng một trong các kết cấu chính (móng, cột, tường...) nhưng chưa thuộc diện phá dỡ cũng phải di dời để đảm bảo an toàn.
Đối với các chủ sở hữu tầng 1 mà có dành diện tích nhà để kinh doanh trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được phê duyệt thì ngoài việc được bồi thường theo quy định tại điểm này, nếu các chủ sở hữu có nhu cầu còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh; giá bán phần diện tích này được tính theo chi phí đầu tư xây dựng phân bổ trên 1 m2 sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ cộng với 10% lợi nhuận định mức theo quy định; giá thuê diện tích kinh doanh, dịch vụ do các bên thỏa thuận.
Trường hợp giá trị căn hộ tái định cư lớn hơn giá trị căn hộ cũ sau khi quy đổi theo hệ số k quy định tại điểm a khoản này, thì các bên ký hợp đồng mua bán, hoặc thuê mua nhà ở tái định cư và phải nộp thêm phần giá trị chênh lệch này, nếu chủ sở hữu không mua, thuê mua thì không được bố trí tái định cư và được thanh toán bằng tiền đối với toàn bộ giá trị được bồi thường theo quy định.
Trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà chủ đầu tư có diện tích nhà, đất tại địa điểm khác để bố trí tái định cư và chủ sở hữu có nhu cầu thì được bố trí tái định cư theo cơ chế quy định.
Đối với nhà thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện phải phá dỡ thì người đang thuê được bố trí thuê căn hộ có diện tích theo thiết kế được duyệt, nhưng không thấp hơn diện tích sử dụng căn hộ cũ, trừ trường hợp không có nhu cầu thuê nhà ở; giá thuê nhà ở được áp dụng như đối với giá thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước; nếu Nhà nước bán căn hộ này thì người đang thuê được mua theo quy định về bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;
Trường hợp theo quy hoạch được duyệt không xây dựng lại nhà chung cư tại địa điểm cũ thì người đang thuê được bố trí thuê căn hộ tại địa điểm khác theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 20 và cơ chế quy định tại Điểm a khoản này; nếu người đang thuê có nhu cầu thì được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật về nhà ở.