Lo ngại chất lượng đào tạo tiến sĩ
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (Thông tư 18) do Bộ GDĐT vừa ban hành đang nhận được sự quan tâm của dư luận và giới khoa học. Trong đó có những băn khoăn liên quan đến việc có hay không “hạ chuẩn” đào tạo trình độ tiến sĩ khi đưa ra một trong những yêu cầu đầu ra đối với nghiên cứu sinh (NCS) là “có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước”.
Dễ dãi tiêu chuẩn?
Một trong những yêu cầu được nêu tại Thông tư 18, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của NCS. Theo đó, quy chế mới so với quy chế hiện hành đã bỏ quy định NCS tiến sĩ phải có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế.
Theo các chuyên gia, việc chỉ quy định NCS đảm bảo có các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước... là một “bước thụt lùi”.
Bởi bên cạnh các công bố trong nước, nên có thêm bài kỷ yếu hội thảo quốc tế, hoặc tạp chí quốc tế bằng tiếng nước ngoài, chưa yêu cầu phải ISI/Scopus để tăng cường khả năng hội nhập. Thế nhưng quy chế mới lại không cần công bố quốc tế cả người hướng dẫn và NCS.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chuẩn đầu ra của quy chế 18 hiện nay lạc hậu, quay trở về như quy chế tiến sĩ cách đây hơn 20 năm về trước. Ngay cả chuẩn đầu ra của quy chế năm 2017 cũng chưa phải là cao so với khu vực, yêu cầu phải có tối thiểu 1 bài trên tạp chí ISI, hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện (chưa yêu cầu phải ISI/Scopus), hoặc 2 bài đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế, viết bằng tiếng nước ngoài có phản biện. Nay Thông tư 18 bỏ hoàn toàn yêu cầu về công bố quốc tế với NCS, cũng như thầy hướng dẫn và thành viên hội đồng là thấp hơn, thụt lùi so với quy chế 2017.
Thứ hai là yêu cầu về ngoại ngữ. Theo quyết định khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành, tiến sĩ phải đạt trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 (B2), trong khi quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp (B2 phải tối thiểu 72 điểm). Quy chế 2017 cũng yêu cầu nếu NCS có ngoại ngữ khác phải đạt chuẩn B2, thì vẫn phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Quy chế mới đã bỏ đi quy định trên.
“Quy chế mới nhiều điểm tiến bộ, quy định chi tiết hơn một số điểm so với quy chế cũ 2017. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất là chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế lại thấp hơn, thụt lùi so với quy chế 2017” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá.
GS.TS Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cũng cho rằng quy chế mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của quy chế cũ. Trong khi đó, phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường ĐH, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện.
Tăng số lượng, bỏ ngỏ chất lượng?
Theo TS. Lê Văn Út (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), quy định mới có phần nới lỏng hơn so với quy chế hiện hành sẽ góp phần tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo, còn về chất lượng thì khó có thể tăng lên.
Cụ thể, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ thay quy định trước đây là phải công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus. Như vậy, quy chế mới giúp cho việc hoàn thành luận án được thuận lợi hơn. Chuẩn đầu ra ngoại ngữ dễ dàng hơn và thứ ba, số lượng nghiên cứu mà mỗi giáo sư được phép hướng dẫn tại mỗi thời điểm được tăng thêm 2, tương ứng với phó giáo sư là 1, so với quy chế cũ.
“Nên chăng Bộ GDĐT cân nhắc thêm việc đào tạo tiến sĩ ứng dụng (đặc biệt là đối với một số lĩnh vực đặc thù), không nhất thiết phải có các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong luận án tiến sĩ, mà luận án tiến sĩ có thể chỉ là các kết quả nghiên cứu ứng dụng”, TS Lê Văn Út đề xuất.
Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức bày tỏ lo ngại về chất lượng PGS, GS của Việt Nam sẽ thế nào trong 5-10 năm tới khi lứa tiến sĩ này tốt nghiệp? Một thực tế Việt Nam hiện nay là tiến sĩ tốt nghiệp trường top đầu hay top sau đều được xem là tiến sĩ như nhau, chưa phân biệt lớn. Vì vậy, nếu hạ chuẩn sẽ dẫn đến hiện tượng ngại chỗ khó, làm chỗ dễ.
Các trường hàng đầu tiêu chí cao càng thì càng khó tuyển nghiên cứu sinh, trong khi những trường giữ mức chuẩn đầu ra theo quy chế mới (dễ và thấp hơn) sẽ thu hút đào tạo nghiên cứu sinh ào ạt. Điều này ắt sẽ dẫn đến hiện tượng những “lò ấp tiến sĩ” chất lượng thấp, như tình trạng trước năm 2017.
Cần đẩy mạnh giám sát
Trả lời báo chí về những ý kiến xung quanh quy chế mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) Nguyễn Thu Thủy cho rằng trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng phong phú của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là điều phù hợp.
Theo đó, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại. Hiện nay chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.
Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào, nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…
“Bộ GDĐT trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát (cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội) đối với quá trình học tập, nghiên cứu của NCS trong các cơ sở đào tạo”- Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng quy chế đã quy định rõ việc sinh hoạt chuyên môn của NCS là quyền lợi và trách nhiệm, thực hiện như đối với giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Điều này giúp việc đào tạo không thể tràn lan, mà phải tập trung vào việc học thật, học có chất lượng. NCS phải cân nhắc kỹ khi quyết định theo học và cần phải được cơ quan cử đi học tập, nghiên cứu một cách chính thức theo hình thức chính quy.
Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ GDĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ vừa ban hành. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GDĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021.
Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo như sau: Bộ GDĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.