Ngành Tài chính trước nhiều áp lực

Hồ Hương 17/07/2021 08:58

Sáng ngày 16/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ngành tài chính gặp nhiều áp lực trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Số liệu báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngành tài chính đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng.

Về chi NSNN, 6 tháng đã chi ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán.

Để đạt các nhiệm vụ tài chính, ngân sách đề ra trong năm 2021, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, áp lực đối với với ngành tài chính là rất lớn. Trong đó, tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu kép - vừa tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước 6 tháng tiếp theo không chỉ có sự vào cuộc của riêng ngành Tài chính, mà còn là sự đồng lòng của cá bộ ngành và địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19. Đồng thời, rà soát vấn đề thể chế, tập trung rà soát những điểm chồng chéo, rào cản cho sản xuất - kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững.

“Phải dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp. Phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý phải tăng cường quản lý giá; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện một số địa phương đã nêu lên những khó khăn, đồng thời cho biết cách “vượt khó” của địa phương mình.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian còn lại của năm, địa phương tập trung cao hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN. Đồng thời tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách, khai thác nguồn thu mới, nguồn thu còn khả năng để bù đắp giảm thu tại các khu vực thu đạt thấp.

Còn theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục rà soát tiết kiệm chi tiêu thường xuyên; xây dựng và triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đảm bảo đời sống cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó là điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt; rà soát, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.

Trong khi đó bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trước diễn biến dịch bệnh đang bùng phát mạnh, TP HCM sẽ tăng cường các giải pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu. Đồng thời chủ động, gấp rút triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. TP HCM cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đi đôi với việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Được biết, tại TP HCM, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm là 198.582 tỷ đồng, đạt 54,42% dự toán.

Hồ Hương