Để con tôm ‘rộng đường bơi’
Ngày 16/7, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định 339 ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021 của Tổng cục Thuỷ sản: Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.
Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL hiện giảm do nguồn cung dồi dào và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khó khăn trong thu mua, vận chuyển. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 15.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 250.000 đồng/kg.
Ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ NNPTTN Phùng Đức Tiến nhận định: Năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn; thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường.
Tuy vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT từ nay đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Trong khi đó, tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 phải đạt 9,8 triệu tấn, trong đó 2,8 triệu tấn khai thác, còn lại là nuôi trồng. Và riêng nuôi trồng thì tôm và cá tra là hai trụ cột rất quan trọng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Năm 2021 lĩnh vực thủy sản cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới. Thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) để quyết tâm xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.