Viêm gan - Hiểu biết để tránh hệ lụy
Bên cạnh nỗi lo về số ca mắc Covid-19 tăng vùn vụt mỗi ngày, hiện bác sĩ còn lo lắng cho rất nhiều bệnh nhân viêm gan siêu vi không thể tái khám định kỳ. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân viêm gan siêu vi B đang uống thuốc đặc trị tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, cho dù men gan đã bình thường và tải lượng HBV đã dưới ngưỡng phát hiện... Bởi nếu ngưng thuốc không đúng, siêu vi B sẽ nhanh chóng bùng phát gây biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và đây cũng là gánh nặng bệnh tật rất lớn tại Việt Nam. Hiện có nhiều loại virus gây viêm gan, nhưng phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E. Trong đó phải đặc biệt lưu ý là viêm gan C diễn biến rất thầm lặng với 90% người nhiễm không biết về tình trạng bệnh của mình…
Theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện có khoảng 10-15% dân số, tức khoảng 10 -11 triệu người mắc viêm gan virus. Đặc biệt, viêm gan virus với đặc tính là diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng vì thế nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại những hậu quả nặng nề như xơ gan, ung thư gan.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, do tỷ lệ viêm gan B cao hơn so với viêm gan C nên hầu hết người dân chỉ đi làm xét nghiệm virus viêm gan B mà bỏ qua xét nghiệm virus viêm gan C, trong khi viêm gan C cũng vô cùng nguy hiểm – được ví như kẻ giết người thầm lặng.
Hầu hết các trường hợp viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng đặc biệt, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, nhức đầu và có một số triệu chứng giống cảm cúm. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải (vùng gan). Kèm theo đau có thể có hiện tượng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu...
Vì thế, rất ít người để ý các triệu chứng này. Trong khi thời kỳ bệnh toàn phát có thể kéo dài khá lâu (khoảng 6 - 8 tuần), tùy vào mỗi người bệnh có thể tự khỏi không cần điều trị (15 - 30%), còn lại hoặc sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang virus viêm gan C.
Đáng lo ngại nhất là khi bị viêm gan C mạn tính, vì có thể bị biến chứng xơ gan hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan. Tỷ lệ biến chứng xơ gan, ung thư gan so với viêm gan B cũng cao hơn nhiều.
Người lành mang virus viêm gan C thì bản thân ít ảnh hưởng nhưng lại là nguồn truyền mầm bệnh nguy hiểm cho người lành khác. Vì vậy, virus viêm gan C hiện nay vẫn là một hiểm họa lớn cho con người. Nếu nghi ngờ bị viêm gan cần đi khám ngay và điều trị theo phác đồ của các bác sĩ.
Mong muốn cải thiện chức năng cho gan, nhiều người bắt đầu bổ sung các dược liệu có chức năng giải độc, bảo vệ gan như diệp hạ châu, cà gai leo, nấm linh chi… PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho rằng, những dược liệu này có thể hỗ trợ cho những trường hợp mắc viêm gan virus nhằm cải tạo tế bào gan, giúp tăng cường chuyển hóa cho gan, cải thiện chức năng gan... Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc và tuỳ thuộc vào thể trạng của cơ thể và diễn tiến của bệnh, không dùng tràn lan, tuỳ tiện... như thế lại lợi bất cập hại.
Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng bổ sung các thảo dược cần thận trọng, uống bao nhiêu, liều lượng thế nào, thời gian uống dài hay ngắn để phù hợp với từng thể trạng mới hiệu quả. Nếu dùng sai cách có thể sẽ không tốt cho sức khoẻ thậm chí ảnh hưởng đến gan thận...
Cùng với đó, thực hiện chế độ dinh dưỡng ăn nhiều rau, ăn thức ăn dễ tiêu, hạn chế đồ chiên, rán, xào. Nếu ăn nhiều đồ mỡ sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, khiến tổn thương gan nặng hơn.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cũng khuyến cáo, với những người đã điều trị viêm gan virus cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng điều trị, vì như thế sẽ nguy hiểm hơn là chưa điều trị. Việc ngừng điều trị khiến virus bùng phát, men gan tăng cao, đặc biệt với những người cao tuổi. Nhiều bệnh nhân tự ngừng điều trị có thể bị suy gan cấp, hôn mê gan, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Thúy Hà, giảng viên ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện đang tham gia điều trị bệnh nhân viêm gan siêu vi tại BV Nhiệt đới TP HCM chia sẻ bên cạnh nỗi lo về số lượng bệnh nhân Covid -19 tăng nhanh hiện nay, bác sĩ còn lo lắng cho rất nhiều bệnh nhân viêm gan siêu vi không thể tái khám định kỳ.
BS Hà khuyến cáo, các bệnh nhân viêm gan siêu vi B đang uống thuốc đặc trị như Tenofovir hoặc Entecavir tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, cho dù men gan đã bình thường và tải lượng HBV đã dưới ngưỡng phát hiện, thậm chí đã ổn định như thế nhiều năm. Nếu ngưng thuốc không đúng, siêu vi B sẽ nhanh chóng bùng phát gây biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Trong đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người cao tuổi, những người mắc bệnh lý nền là đối tượng được cảnh báo nguy cơ cao nhiễm bệnh, có thể diễn tiến nặng hơn so với những người bình thường khác. Bệnh nền quyết định rất nhiều đến phản ứng của cơ thể, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hay nhẹ...