Hỗ trợ lao động tự do: Thiếu hướng dẫn, ngại triển khai
Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là chính sách nhân văn và kịp thời. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về chính sách cũng như trách nhiệm thực thi dễ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương đối với nhóm lao động tự do di cư và mức độ thực hiện sẽ rất khác nhau giữa các tỉnh, từ đó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Thiếu hướng dẫn dễ để lọt đối tượng hỗ trợ
Đánh giá về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 68 đã có một số điều chỉnh kịp thời, đó là Chính phủ đã mở rộng thêm các nhóm đối tượng chính hưởng lợi và quy định 12 nhóm chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trẻ em và người đang điều trị Covid-19, người đang cách ly y tế, phụ nữ có thai, người lao động chính thức và người lao động phi chính thức.
Theo Nghị quyết 68, mức hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác được hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Mặc dù vậy, theo đại diện Oxfam, Quyết định 23 chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động phi chính thức (người lao động tự do). “Việc thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về chính sách cũng như trách nhiệm thực thi sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương đối với nhóm lao động tự do di cư và mức độ thực hiện sẽ rất khác nhau giữa các tỉnh, tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ” - ông Tú nhận định.
Kết quả đánh giá của các cơ quan cũng cho thấy, quá trình thực hiện Nghị quyết 42 (gói 62.000 tỷ đồng) năm 2020 chưa thành công và hiệu quả như mong đợi của Chính phủ và người dân. Tỷ lệ chi hỗ trợ trực tiếp đạt hơn 22% toàn gói. Riêng nhóm lao động tự do như: hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, chỉ hỗ trợ được hơn 1 triệu người (trong tổng số hơn 20 triệu người) với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.
Phân tích về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thiếu hiệu quả, ông Phạm Quang Tú cho rằng, do thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các Bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này. Bên cạnh đó, việc quy định quá chặt chẽ và thiếu tính khả thi về các tiêu chí, thủ tục hỗ trợ, điều này đã gây ra nhiều rào cản đối với người lao động khi tiếp cận với gói hỗ trợ. Chính quyền địa phương cũng chưa khảo sát đầy đủ, bỏ sót nhiều người lao động tự do đang gặp khó khăn.
Trách nhiệm người đứng đầu
Từ những phân tích trên, ông Phạm Quang Tú cho rằng, nếu tiếp tục thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm thực thi chính sách, cũng như không đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện, thì tỷ lệ người lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ cũng sẽ rất thấp.
Đại diện Oxfam khuyến nghị, quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các Bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này. Kết quả thực hiện hỗ trợ người lao động tự do trở thành một trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong ứng phó với tác động của Covid-19 tới đời sống của nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại địa phương, đóng góp thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.
Để đơn giản hóa thủ tục, ông Tú đề xuất việc rà soát nhóm người lao động tự do cần thực hiện theo nhiều kênh khác nhau, bao gồm: Tổ dân phố rà soát rồi lập danh sách lao động tự do trong địa bàn quản lý, hoạt động của mình.
Chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ lập danh sách người lao động không có hợp đồng lao động chính thức. Người lao động tự do thực hiện đăng ký hỗ trợ trực tiếp tại tổ dân phố hoặc thông qua websites của quận/huyện, tỉnh, thành phố.
Oxfam cũng đề xuất xây dựng một cơ sở dữ liệu và báo cáo quốc gia, trực tuyến, theo thời gian thực, với các thông tin liên tục cập nhật về người lao động tự do đăng ký và nhận hỗ trợ theo các kênh như trên. Thông tin cơ bản về người lao động tự do bao gồm: Họ tên, số CCCD hay CMTND, nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú, công việc, thời gian bị ảnh hưởng, mức thu nhập hiện tại.... Như vậy sẽ tránh được việc trùng lặp khi lập danh sách hỗ trợ đối với người lao động di cư ở các địa bàn, tỉnh khác nhau.
“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo này sẽ giúp Chỉnh phủ triển khai minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đột xuất sau này. Đây cũng là yêu cầu tất yếu và là tiền đề của xây dựng cơ sở dữ liệu số toàn dân và thực thi Chính phủ điện tử hiệu quả, minh bạch, giúp loại bỏ các thủ tục hành chính truyền thống tốn kém và không hiệu quả”, ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.