Nuôi cá đặc sản
Là một trong ba hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Thác Bà có chiều dài trên 80 km với diện tích mặt nước gần 20.000 ha, chứa từ 3 - 3,9 tỷ m3 nước. Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó có nghề nuôi các loại cá đặc sản, chất lượng cao.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, hiện trên hồ Thác Bà có 2.057 lồng nuôi cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá với tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8.000 tấn/năm. Đáng chú ý, sản lượng cá da trơn chất lượng cao nuôi bằng lồng tăng nhanh trong năm 2021 như: cá lăng chấm ước đạt 1.500 tấn, trên 200 tấn cá ngạnh, hơn 300 tấn cá nheo.
Khu vực xung quanh hồ Thác Bà đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác cùng trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Hiện có khoảng 15% dân số ở ven hồ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản (tôm, cá). Hầu hết cơ sở nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản trong vài năm trở lại đây, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa.
Thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T nuôi cá tại 110 lồng với thể tích trung bình 500 m3/lồng. Chủng loại nuôi gồm các loại cá trắm đen, chép, diêu hồng, ngạnh, vược, nheo, koi... cho sản lượng bình quân đạt khoảng 1.000 tấn/năm với doanh thu 35 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Ông Đào Văn Minh, Giám đốc điều hành của công ty cho biết, môi trường hồ Thác Bà rất thích hợp cho việc nuôi các loại cá đặc sản. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất vừa mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nuôi cá thông thường. Hiện nay sản phẩm cá của công ty được tiêu thu rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và đang hướng tới xuất khẩu.
Nhận biết được tiềm năng và hiệu quả kinh tế đối với loại cá đặc sản, nhiều hộ nuôi thủy sản trên lòng hồ đã chuyển đổi sang nuôi các loại cá này. Đặc biệt là loại cá ngạnh và cá nheo có nguồn giống bản địa, ít bị nhiễm bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon, thường được khách hàng đặt mua trước nên giá bán cao gấp từ 5-10 lần so với giá cá thông thường. Thời điểm hiện tại cá nheo tươi bán tại lồng nuôi có giá từ 450 - 500 nghìn đồng/kg, giá cá ngạnh từ 180 - 200 nghìn đồng/kg.
Ông Đặng Văn Vấn là một trong 12 hộ nuôi cá lồng tại thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình cho biết, từ tháng 7/2019, gia đình đã chuyển toàn bộ 13 lồng nuôi cá trắm sang nuôi cá ngạnh và lăng chấm và áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp và bột ngô, sắn. Sản lượng đạt trên 10 tấn cá mỗi vụ, sau khi trừ toàn bộ chi phí, ông thu về từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế đối với nghề nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Thác Bà, ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình nhận định, xuất phát từ lợi thế môi trường nuôi thả gần như tự nhiên và tận dụng nguồn thức ăn sạch, giá rẻ tại địa phương, nghề nuôi cá đặc sản hồ Thác Bà đang phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao; mở ra hướng đi mới và nâng tầm thương hiệu sản phẩm cá hồ Thác Bà.
Liên kết tiêu thụ và chế biến
Sản phẩm cá đặc sản hồ Thác Bà nổi tiếng và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái” từ năm 2019. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ổn định nghề nuôi cá đặc sản trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị. Trước mắt, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Nghề cá hồ Thác Bà để làm cơ quan kết nối cung cầu, liên kết giữa nuôi trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Những năm trở lại đây, hình thức phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi đã hình thành và bước đầu đem lại hiệu quả. Tiêu biểu là Hợp tác xã Thủy sản Hoàng Kim được thành lập năm 2017 với 7 thành viên là các hộ ngư dân tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình. Đến nay, hợp tác xã có 300 lồng nuôi, dự kiến sản lượng đạt 200 tấn trong năm 2021 với doanh thu khoảng 8 tỷ đồng/năm và lợi nhuận đạt gần 2 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, hiện nay hợp tác xã đã đăng ký hai sản phẩm OCOP là Cá lăng sấy và Ruốc cá lăng được chế biến từ nguồn cá lăng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong năm 2021, hợp tác xã sẽ xây dựng nhà máy chế biến thủy sản công xuất 1.500 tấn/năm, trên cơ sở liên kết sản xuất với một số hộ dân tại xã Hán Đà, xã Thịnh Hưng, huyện yên Bình để mở rộng quy mô thêm 400 lồng nuôi, đáp ứng sản lượng nguyên liệu đầu vào để chế biến.
Ông Đào Văn Minh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T cho biết, dự kiến từ nay đến năm 2022, công ty sẽ mở rộng liên kết sản xuất với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân để mở rộng quy nuôi cá trên 700 lồng, sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm; đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn cho cá với công suất 14 nghìn tấn cá tươi/năm. Dự kiến bước đầu sẽ chế biến khoảng 3.500 tấn/năm cá phi lê từ các loại cá đặc sản xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Thái Lan, châu Phi.
Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng chia sẻ, từ khi tham gia vào Hợp tác xã thủy sản Thịnh Hưng, được tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm các loại cá đặc sản, gia đình bà mạnh dạn đầu tư tăng quy mô nuôi từ 2 lồng lên 10 lồng và 4 ha nuôi cá quây lưới eo ngách. Sản phẩm của nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên luôn đảm bảo chất lượng, bán được giá cao. Nhờ đó, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập 200 triệu đồng trở lên từ nghề nuôi cá.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hồ Thác Bà có trên 3.000 lồng cá nuôi, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, tỉnh Yên Bái ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100 m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng và 5 triệu đồng/lồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.