Những phận đời ăn cơm từ thiện
Có hàng ngàn người, hầu hết là những con người nghèo khổ hoặc đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống nên hộp cơm từ thiện đôi khi nóng hổi, đôi khi nguội ngắt nhưng luôn ấm áp tình người.
Có người chỉ tình cờ, có người chỉ coi là món quà nhưng lại có người coi đó là nguồn sống trong nhiều năm liền. Dù có là gì thì thực sự, những hộp cơm từ thiện cũng mang đến nhiều giá trị với người cho lẫn người nhận hơn những hộp cơm bình thường khác.
10 năm ăn cơm miễn phí
Nằm trong con hẻm nhỏ ngoằn nghèo của tuyến đường Âu Dương Lân ở ngoại TP HCM, Bệnh viện Chấn thường chỉnh hình và phục hồi chức năng (quận 8) có lẽ là một trong những bệnh viện đặc biệt nhất ở khu vực phía Nam. Bởi đây không chỉ là nơi hầu hết bệnh nhân đều ở tỉnh thành lân cận tới điều trị mà còn bởi, thời gian điều trị ở đây thường kéo dài, từ vài tháng cho tới hàng chục năm. Đó cũng chính là lý do khiến nơi đây thường xuyên là điểm đến của những người làm công tác phát cơm tình nguyện.
Ngồi đợi từ hơn 9h sáng ở trước cổng phía nhà xe bệnh viện, bà Nguyễn Thị Năm, 67 tuổi quê ở tận Tri Tôn (An Giang) đang nhìn lên phía trước đợi tới lượt mình.
Bà kể, năm ngoái con trai bà bị tai nạn giao thông ở trên Châu Đốc, phải nằm viện tới nửa năm trời ở bên Chợ Rẫy. Dù cứu được mạng sống của con nhưng các bác sĩ không thể hồi phục được 2 cánh tay và 1 cái khớp chân phải của anh.
“Gần một năm qua, nó chuyển về đây để vừa điều trị, vừa phục hồi cơ chân, cơ tay. Gia đình ít người, tôi phải theo nó để chồng ở quê làm lụng kiếm thêm tiền thuốc men. Mà ở trên TP HCM đâu chỉ có tiền thuốc men, còn tiền ăn ở của hai mẹ con nữa. Nhìn con trai tập đi từng bước trên xe lăn mà mình vừa bất lực, vừa hy vọng”, bà Năm thở dài kể.
Hơn một năm qua, bà theo con ở bệnh viện nhưng thực chất chỉ chăm sóc động viện tinh thần, phụ giúp con đi vệ sinh, tắm rửa mà thôi. Ngoài thời gian ấy, bà ngồi lê la ngoài khu vực bệnh viện.
“Ban đầu mới chuyển về đây tôi lo lắm, vì bao nhiêu tiền bạc dồn hết vào việc cấp cứu bên Chợ Rẫy rồi. May mà ngày nào cũng có người tới phát cơm miễn phí cho ăn, nên đỡ nhiều lắm. Có ngày tôi xin 2 hộp cho mình và con, có ngày thì có cháo, hủ tiếu nữa. Thường cuối tuần người ta tới phát nhiều hơn, có khi để dành tới ngày mai ăn cũng được”, bà thành thật kể.
Ngồi cạnh bà Năm cũng là một người phụ nữ miêt đồng bằng lớn tuổi, tên là bà Viện. Bà Viện kể không biết có phải cái tên cha mẹ đặt cho hay không hơn 5 năm qua, bà phải ở cái bệnh viện này. Không phải bà đau ốm gì mà chồng bà tai biến, giờ chân đi khó khăn, phải ở đây để bác sĩ điều trị, phục hồi.
Với những người khá giả mà có người thân đi điều trị ở bệnh viện nhiều năm còn khó khăn, huồng hồ bà Viện ở tuốt dưới miệt ven biển Duyên Hải (Trà Vinh).
Bà bảo gia sản trong nhà bán gần hết, con cái cũng có phụ giúp được chút ít vì đều ở quê, quanh năm gắn bó với nghề biển không dư dả gì. Thế là bà vừa chăm chồng, vừa bán vé số.
Mỗi ngày bà nhận chừng trăm tờ, đi bộ loanh quanh các đường Dương Bá Trạc, Phạm Thế Hiển hay vòng qua Nguyễn Văn Linh rồi về. Có ngày được bảy tám chục, có ngày được một trăm. Vì thế, mỗi hộp cơm từ thiện người ta cho giúp bà bớt được hai mươi ngàn đồng một bữa. Nhiều ngày may mắn, bà xin được 2 hộp cơm thì bớt được bốn mươi ngàn, bằng nửa ngày đi bán vé số.
Hiện nay, cứ 2-3 ngày bà lại đưa chồng vào bệnh viện để bác sỹ khám, sử dụng máy phục hồi cơ, khớp xong rồi đẩy xe đưa chồng về phòng trọ gần đó.
Những người phụ nữ có người thân, hay đơn giản từng có người thân điều trị ở bệnh viện này thường xuyên có mặt trong các buổi phát cơm, đồ ăn từ thiện. Có một số nhóm họ có lịch phát cơm rất chi tiết, theo những ngày cụ thể trong tuần hay trong tháng, tùy theo khả năng của nhóm. Và họ rất ít khi phát sai thời gian bởi họ hiểu, nhiều người nghèo ở quanh bệnh viện nay đang chờ đợi họ.
Bình thường, thành phố có vô vàn các quán ăn, giá thường chỉ hai mươi ngàn đồng nhưng với nhiều người nghèo khó, tiết kiệm được số tiền đó trong một ngày là niềm vui, giúp họ có thêm động lực bước tiếp trên cuộc đời khó nhọc.
Muôn kiểu từ thiện
Là một trong những thành phố hào phóng nhất mà tôi từng biết, ai từng chứng kiến cảnh phát cơm, đồ ăn từ thiện tại các bệnh viện như Ung bướu (quận Bình Thạnh), Chợ Rẫy (Quận 5) hay Nhi Đồng 1 (quận 10)... đều biết cái chân thành của người nhận và người cho. Ở giữa hộp cơm là nhu cầu của người nhận, nhu cầu của người cho.
Nếu như những người khốn khó, ngặt nghèo từ xa xứ tới thành phố này cần hộp cơm để qua cơn đói lòng thì những người đi cho cũng cần được an ủi, được thư thả, được nguôi ngoai niềm trắc ẩn tâm hồn. Đó là lý do khiến nhiều người ở thành phố thường tập hợp thành từng nhóm, có khi dăm bạn bè rồi cuối tuần gom góp mỗi người một chút, đặt trăm hộp cơm để san sẻ cho người khác.
Chị Nguyễn Thị Thương, 47 tuổi, chủ một quán ăn ở địa bàn quận 5 cho biết, chị thường xuyên cùng bạn bè phát cơm từ thiện vào dịp cuối tuần ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình bên Quận 8.
“Đợt không có dịch bệnh mình thường mua sẵn, có khi là 100, có khi là 150 suất rồi cùng ông xã chở sang phát cho bà con. Cũng không phải tiền của mình hết đâu, tiền bạn bè, có người ở tận bên Mỹ cũng gửi góp mua cơm cho người nhà bệnh nhân để tích đức. Rồi mấy tháng nay quán ăn đóng cửa, mình mua sẵn gà với sườn về nấu ăn, cho vào hộp cẩn thận. Thường thì sáng thứ 4 và thứ 6 nhóm mình phát bởi cuối tuần nhiều bạn trẻ sinh viên hay tới hỗ trợ, bà con cũng không lo gì nhiều”, chị Thương kể.
Phát cơm từ thiện ở nhiều bệnh viện không phải là chuyên đơn giản kiểu như đưa hộp cơm cho từng người là xong. “Nhiều bệnh viện có mấy kẻ thiếu ý thức, dân anh chị chạy xe thồ (xe ôm) nọ kia hay phá quấy. Họ không cho người khác nhận hoặc chen lấn, hoặc lấy năm bảy hộp rồi khi mình về bán lại cho người không có. Thế nên phải có đàn ông đi cùng, chứ mấy chị em phụ nữ không thể nào phát cho hàng trăm người được”, chị Thương kể thêm.
Vài năm gần đây, chuyện người dân, tổ chức hay một số nghệ sỹ tổ chức phát cơm, đồ ăn, thực phẩm từ thiện rồi quay phim đưa lên mạng xã hội là điều khá bình thường, quen thuộc. Hầu hết người nhận suất ăn từ thiện đều biết, những cánh tay đang trực tiếp đưa cho mình hộp cơm hàng ngày có thể không phải là người bỏ tiền để mua những suất ăn ấy. Rất nhiều người ở xa hay đơn giản là không có thời gian, không có điều kiện trực tiếp san sẻ lòng trắc ẩn của mình dành cho người khác.
Vì vậy, những đoạn phim, thậm chí hầu hết đều có cảm nghĩ, chia sẻ của người nhận như một “bằng chứng” cho việc làm từ thiện mà nhìn dưới góc độ quản lý hành chính là tự phát này. Về căn bản, việc những người cho, người nhận, người dành tiền làm từ thiện cùng gặp nhau ở những đoạn phim ngắn, những hộp cơm kia là điều bình thường, thậm chí còn mang đến sự lan tỏa, ấm áp.
Những đoạn phim ấy có hàng triệu người xem trên mạng xã hội, tạo sự xúc động cho nhiều người, thậm chí kết nối cộng đồng thân thiết hơn, thấu hiểu hơn. Và có lẽ đó cũng chính là mục đích, là thứ lòng nhân ái mà những hộp cơm nhỏ bé ở thành phố này khi con người dành cho nhau.