‘Đỗ’ đại học sớm: Cân nhắc nhập học để tránh mất cơ hội
Theo tin từ các trường đại học (ĐH), hiện có hàng ngàn thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức khác (xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi đánh giá năng lực...). Nhiều thí sinh và gia đình băn khoăn có nên xác nhận nhập học luôn hay đợi kết quả thi tốt nghiệp?
Hàng ngàn thí sinh “đỗ” ĐH sớm
Thời điểm này nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố điểm trúng tuyển bằng các phương thức khác không phụ thuộc vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Mở TP HCM vừa công bố điểm trúng tuyển học bạ các ngành từ 18 đến 26,25 điểm, trong đó ngành ngôn ngữ Trung Quốc có điểm trúng tuyển cao nhất là 26,25 điểm.
ThS Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết, điểm học bạ lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 đối với các ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy và điểm tổng của điểm trung bình năm lớp 10, 11, 12 đối với 3 chương trình ĐH liên kết quốc tế là căn cứ xét tuyển của trường.
Theo đó, điểm trúng tuyển đợt 1 xét học bạ các ngành đào tạo trình độ ĐH chính quy thấp nhất là 18 điểm, cao nhất 24 điểm (ngành công nghệ thực phẩm). Trong khi điểm trúng tuyển đợt 1 xét học bạ theo phương án tổng điểm trung bình 3 năm lớp 10, 11, 12 các ngành đào tạo trình độ ĐH liên kết quốc tế, như: Quản trị kinh doanh, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, khoa học và công nghệ sinh học, là 18 điểm.
Trước đó, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thông báo kết quả xét tuyển phương thức xét tuyển tài năng đợt 1 năm 2021 của trường. Theo đó, khoảng 1.300 thí sinh đạt ngưỡng yêu cầu vào các ngành/chương trình đào tạo ĐH chính quy.
Trường đã gửi email thông báo tới các thí sinh này, đề nghị thí sinh nếu có nguyện vọng nhập học thì thực hiện thủ tục nộp giấy xác nhận (theo mẫu) cho trường trong khoảng thời gian từ 10-16/6, thậm chí khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra.
Trường ĐH Ngoại thương cũng đã triển khai xét tuyển đợt 1 các phương thức xét tuyển 1, 2, 5 (trường có 6 phương thức xét tuyển), đã gửi email với những thí sinh đã đáp ứng điều kiện về điểm đánh giá hồ sơ xét tuyển.
Với những thí sinh này, nếu có mong muốn theo học chương trình mà các thí sinh đã đáp ứng điều kiện về điểm đánh giá hồ sơ, thì cần thực hiện quy trình xác nhận theo học từ ngày 14-16/6. Bên cạnh giấy xác nhận theo học, thí sinh phải gửi các giấy tờ gốc liên quan (các chứng chỉ quốc tế, các giấy chứng nhận học sinh giỏi...).
Cân nhắc để tránh mất cơ hội
Kinh nghiệm của nhiều trường cho biết, những năm trước dù gọi hàng nghìn thí sinh trúng tuyển theo các phương thức ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng thực tế chỉ… vài trăm thí sinh quyết định xác nhận nhập học.
Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, trường gọi nhập học khoảng 2.500 thí sinh bằng các phương thức khác điểm thi tốt nghiệp nhưng chỉ khoảng 1/10 nhập học. Nguyên nhân là vì với hình thức xét tuyển bằng học bạ, số thí sinh trúng tuyển rất nhiều, không ít em đậu cả 10 trường trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT lại cao hơn năm trước.
Vì vậy, các thí sinh chủ quan, dù trúng tuyển nhưng không chịu nhập học, muốn xét điểm thi THPT vào ngành hot... “Việc này dẫn đến rủi ro rất cao, khả năng điểm cao vẫn rớt vào các ngành hot”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cảnh báo.
Dự kiến, năm nay kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT ở khối xã hội sẽ có điểm trung bình cao hơn năm 2020 do đề giảm tải, dễ lấy điểm hơn. Chính vì vậy khả năng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở khối này sẽ khá căng thẳng, dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tăng nhiều so với năm 2020, đặc biệt ở các ngành hot nên thí sinh cần cân nhắc việc xác nhận nhập học để tránh mất cơ hội.
Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn của các thí sinh và gia đình đó là với một số trường yêu cầu nộp các giấy tờ gốc liên quan, sau này nếu các thí sinh không chọn học tại trường, thì các trường có trả lại cho thí sinh hay không?
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), trước 10/8 là hạn cuối cùng các trường mới phải cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về kết quả sơ tuyển, kết quả tuyển sinh theo các phương thức có trong đề án tuyển sinh riêng của trường… (gọi chung là phương thức riêng). Căn cứ để các trường xác định kết quả tuyển sinh theo bất kỳ phương thức nào là bản chính giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, khi thí sinh chưa nộp giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho bất kỳ trường nào nghĩa là các em vẫn có quyền dự tuyển vào bất kỳ trường ĐH nào nếu đủ điều kiện dự tuyển. “Nếu một số trường yêu cầu thí sinh nộp bản gốc giấy tờ, sau này các thí sinh không chọn học tại trường, thì các trường phải có nghĩa vụ trả lại cho thí sinh”, bà Thủy nhấn mạnh.