Triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức tác động thế nào đối với sức khoẻ?
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo điều kiện sinh hoạt và môi trường làm việc thay đổi, dễ gây ra cảm giác mệt mỏi cho con người. Theo các chuyên gia, mệt mỏi có thể là kết quả của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, nhưng nó cũng thường liên quan đến những điều nhỏ nhặt trong các hoạt động hằng ngày.
Nguyên nhân
Mệt mỏi hoặc kiệt sức là biểu hiện thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, khiến cơ thể có cảm giác uể oải, kiệt sức, không có tinh thần học tập và làm việc. Hầu hết chúng ta đều từng trải qua cảm giác mỏi mệt, nó có thể xuất hiện khi bạn mất ngủ, ngủ không đủ giấc, ăn uống kém, làm việc quá sức, hoặc do mắc cảm cúm. Tuy nhiên, cảm giác mỏi mệt kéo dài liên tục khiến cơ thể mất năng lượng, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn.
Các chuyên gia cho rằng, mệt mỏi kéo dài có thể là do thói quen sinh hoạt, do tâm lý, hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng của bệnh lý mà bạn không ngờ tới. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phải chống lại bệnh tật sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Đó là lý do vì sao các triệu chứng nhẹ như cảm cúm cho đến nguy hiểm như ung thư đều khiến cho người bệnh có cảm giác mỏi mệt.
BS.CK2 Võ Đôn - Bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, BV Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết: “Hội chứng mệt mỏi mạn tính là một tình trạng bệnh lý mà biểu hiện mệt mỏi kéo dài ít nhất 6 tháng và không thể giải thích đầy đủ bằng một tình trạng bệnh lý nào đó, nó gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Tình trạng mệt mỏi trở nên ngày càng nặng hơn hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần thường xuyên hằng ngày nhưng không được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh mệt mỏi, người bệnh còn có thể gặp nhiều triệu chứng khác là khó chịu; không tập trung làm việc, giảm khả năng hoàn thành các công việc thường ngày trước khi bị bệnh; giảm khả năng suy đoán, nhận thức; thay đổi tư thế làm việc, sinh hoạt như đứng ngồi không yên. Thậm chí, người bệnh còn bị rối loạn giấc ngủ, đau mạn tính”.
Hội chứng mệt mỏi mạn tính là một rối loạn phức tạp, mặc dù có rất nhiều nhiều lý thuyết khác nhau về nguyên nhân gây ra hiện tượng này nhưng cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Song, người ta thấy rằng một số người khi sinh ra có yếu tố cơ địa thuận lợi mắc bệnh này, đồng thời nó thường xuất hiện sau khi bị nhiễm virus, sau một chấn thương, phẫu thuật hoặc căng thẳng tinh thần kéo dài.
Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy rằng mệt mỏi mạn tính có khả năng do mất cân bằng nội tiết tố, suy giảm hệ thống miễn dịch. Nhưng những điều này vẫn đang bàn cãi và các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục thực hiện để mở đường cho phương pháp điều trị trúng đích hơn vì hội chứng mệt mỏi mạn tính trước giờ rất khó trị và nhiều người thậm chí đã dần nặng đến hạn chế về lối sống, hiệu quả công việc ngày càng giảm, mất khả năng lao động, thậm chí là trầm cảm, có xu hướng cách ly xã hội.
Cách điều trị
Theo các chuyên gia, hiện nay không có phương pháp chữa trị đặc hiệu nào cho hội chứng mệt mỏi mạn tính mà tuỳ thuộc vào cá thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau mà tư vấn và điều trị khác nhau. Điều trị tập trung vào việc giảm triệu chứng, ưu tiên các triệu chứng gây nặng nề phiền toái nhất cho người bệnh.
Vì vậy, để triệu chứng mệt mỏi hoặc kiệt sức gây ra hội chứng mệt mỏi mạn tính, các chuyên gia khuyến cáo:
Người bệnh nên cố gắng giảm căng thẳng bằng các hoạt động tập thể dục và chánh niệm như thở sâu, thư giãn cơ, thiền, tự xoa bóp, tập thể dục, yoga... để có giấc ngủ ngon hơn;
Một số cách khác để tăng năng lượng như trà và cà phê - ít caffeine hơn và có thể kiểm soát lượng đường thêm vào. Hoặc cắn hạt hướng dương, uống nước nhiều hơn mỗi khi cần tỉnh táo;
Bên cạnh đó, người bệnh nên thử các loại vận động nhẹ nhàng như đi bộ 20 phút ở cường độ thấp đến trung bình, hay các bài tập như nhảy, chống đẩy, squats và phổi để tăng cường năng lượng;
Thực hiện một vài sửa đổi thói quen ban ngày như ngủ trưa dưới 20 phút. Tránh chất caffeine và nicotine trước khi ngủ, không ăn quá no, uống rượu trước giờ ngủ. Giữ cho phòng ngủ yên tĩnh và thoải mái;
Để có năng lượng bền vững, chọn carb kết hợp protein và chất xơ như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh quy giòn với bơ hạt, trái cây... Tránh dung nạp thực phẩm có thể cải thiện mức năng lượng và sức khỏe tổng thể của bạn;
Đặc biệt, để tránh rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu động lực kéo dài, chuyên gia đưa ra lời khuyên: “Hãy chủ động nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn với người thân, bạn bè để giải tỏa những ẩn ức nơi công sở, trường học và gia đình… Điều này không chỉ hữu ích trong việc phòng ngừa mà còn giúp kiểm soát ngay cả khi đã mắc phải chứng mệt mỏi mạn tính”.