Những bất thường trong đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục
Thời gian qua, xảy ra nhiều dấu hiệu bất thường trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị tại một số đơn vị thuộc ngành giáo dục, cần làm rõ, xử lí nghiêm để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Việc công khai, minh bạch để phòng chống tham nhũng trong hoạt động mua sắm công là một nội dung quan trọng, cần thiết và xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Bởi vì, nếu không công khai minh bạch sẽ rất dễ dẫn đến tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Thiệt hại do tham nhũng gây ra sẽ không chỉ dừng lại ở những thất thoát về ngân sách, mà khi tham nhũng xảy ra sẽ còn làm mất tính cạnh tranh của hoạt động mua sắm công, có thể làm giảm chất lượng, tính bền vững, an toàn của các tài sản công; các hàng hóa, dịch vụ có thể không đáp ứng được yêu cầu đặt ra khi mua sắm.
Hơn nữa, khi mua sắm công bị lạm dụng, trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, chứ không phải vì mục đích công thì niềm tin của người dân đối với chính quyền cũng có thể dần bị xói mòn.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa, và nhiều cán bộ thuộc sở này để điều tra hành vi thông đồng với nhà thầu mua sắm thiết bị giáo dục.
Theo đó, trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, bà Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty CP thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa để thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định của luật Đấu thầu, đặc biệt là 2 gói thầu cung cấp đồ dùng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2020, bà Phạm Thị Hằng đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa và Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo thực hiện gói “Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển, lắp đặt thiết bị” với tổng giá trị gói thầu trên là hơn 32,6 tỷ đồng.
Tiếp đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư gói thầu “Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 - 2021, vận chuyển, lắp đặt thiết bị” với tổng giá trị gói thầu là gần 87 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là liên danh 4 công ty, trong đó tiếp tục là hai cái tên “quen mặt” là Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa và Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo. Còn lại là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Khang An, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Nam Hoa và Công ty CP thiết bị giáo dục - Khoa học kỹ thuật Long.
Hiện, Bộ Công an chưa công bố chi tiết sai phạm tại 2 gói thầu này, nhưng được biết, khi các thiết bị dạy học được chuyển về cho các trường sử dụng thì chỉ một thời gian ngắn đã phát sinh hư hỏng, hoặc bộc lộ dấu hiệu kém chất lượng.