Dấu ấn Ngô Văn Phú
Với người viết, cả đời được độc giả nhớ tới một bài thơ, một câu thơ, một truyện ngắn, là hạnh phúc. Nhà thơ Ngô Văn Phú là một trong những tác giả làm được điều ấy. Nhắc tới ông, nhiều người nhớ ngay tới 4 câu thơ lục bát: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đòng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đôi mây về làng”. Có người tưởng đó là ca dao. Vì nó quá quen thuộc, gần gũi. Nhưng đó là thơ của Ngô Văn Phú.
Thơ Ngô Văn Phú hồn hậu như con người của ông. Tôi cảm giác vậy. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ: “Tháng năm mùa gặt” (1978); “Đi ngang đồi cọ” (1986); “Hoa trắng tình yêu” (1995)… Trong đó, tôi ấn tượng với tập thơ “Chiêm bao” xuất bản năm 2001. Một tập thơ bốn câu khá tiêu biểu của cuộc đời thi nhân Ngô Văn Phú. Bài thơ “Mây và bông” với bốn câu thơ nổi tiếng vừa dẫn ở trên được nhà thơ viết năm 1961. Dường như nó có tác động đến xu hướng viết ngắn và cô đọng của nhà thơ trong những chặng viết sau này.
Trong bài “Hội xuân”, ông viết:
“Hội xuân mở trước sân đình
Gió đưa cánh pháo dậm dềnh đầm sen
Có con ếch nấp bờ bên
Tưởng hoa nhảy xuống vồ lên giấy điều”.
Hay trong bài “Cỏ chiêm bao”:
Có lúc chiêm bao mình hóa cỏ
Xanh từ xuân hạ đến thu đông
Quên đi những miếng cơm manh áo
Quẩn đến rồi đi, đến nát lòng.
Nhà thơ cho rằng, thơ bốn câu (tứ tuyệt) như bông hoa, chợt với tay mà hái được. Âm vang, ngắn mà đọng, dọc mà ngang, ngang mà dọc. Thơ đi như một mảnh sao băng, sáng lóe rồi để dư âm trong bầu trời đêm man mác.
Những tứ thơ ngắn thường đến bật chợt, mà nói như nhà thơ Ngô Văn Phú, “thơ đến như một ngọn gió tươi làm bừng tỉnh thi hứng; như một ngọn cỏ một sớm tỏa ấm trên quầng đất thân tình; như dáng núi tự mình tạo ra sức sống của mùa xuân”.
Nhưng chính ông, cũng dặn mình rằng, thơ tứ tuyệt đã có bề dày hàng ngàn năm. Và ông “vừa sợ hãi vừa liều lĩnh dấn thân vào cõi thơ huyền bí này, lấy tâm thành mà viết…” Bởi ông muốn đặt một dấu chân vào hàng nghìn hàng vạn dấu chân người đi trước đã mê thơ tứ tuyệt.
Và ít nhiều, ông đã để lại dấu ấn của mình trong “cõi thơ huyền bí” ấy. Để nhớ tới ông, người yêu thơ vẫn nhớ được vài ba bài.
Nhưng Ngô Văn Phú không chỉ nổi tiếng với những bài thơ, ông còn được mệnh danh là người viết truyện lịch sử nhiều nhất Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với nhiều tập tiểu thuyết dã sử, truyện ngắn, truyện vừa: “Ngõ trúc” (truyện ngắn về danh nhân, 1986); “Bụi và lốc” (tiểu thuyết, 1988); “Ngôi vua và những chuyện tình” (tiểu thuyết lịch sử, 1990); “Gươm thần Vạn Kiếp” (tiểu thuyết lịch sử, 1991); “Ngang trái Phủ Tây Hồ” (tiểu thuyết lịch sử, 1993); “Tuyên Phi họ Đặng” (1996); “Sao không là tình yêu”? (1996)…
Cách đây mấy năm, một lần vui vẻ, ông cười móm mém thống kê đã viết hơn ba chục cuốn, trong đó hơn 10 cuốn là tiểu thuyết, còn lại là truyện ngắn. Để viết được từng đó, ông đã tìm hiểu khoảng 150 nhân vật lịch sử để đưa vào tác phẩm của mình. Đó là Lê Hoàn, Phùng Hưng, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Khuyến... Toàn là người nổi tiếng, đã làm nên những trang sử vàng son của dân tộc ta.
Tác phẩm đầu tiên nhà văn Ngô Văn Phú viết về lịch sử đó là cuốn “Ngõ trúc”. Ông lấy ý từ câu thơ “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” của Nguyễn Khuyến để viết về chính cụ Tam Nguyên Yên Đổ - một nhà nho, một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. “Tôi vẫn còn nhớ, cuốn sách đó được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ minh họa và được nhà văn Nguyễn Tuân rất khen ngợi làm cho tôi cảm thấy hứng khởi với đề tài này”, nhà văn Ngô Văn Phú nhớ lại.
Sự khích lệ của các bậc tài danh đi trước đã giúp ông bền bỉ với đề tài lịch sử. Nhưng bản thân ông, trong tư cách nhà văn, thấy rằng đề tài lịch sử là mảng rất khó, bởi vậy ít người viết. Điều đó thúc giục ông dấn bước. “Báo chí từng nêu vấn đề, rằng trẻ em bây giờ thiếu kiến thức về lịch sử nước nhà một cách nghiêm trọng. Sách về lịch sử là một nguồn học cần thiết cho các em, nhưng sách truyện về lịch sử với đặc trưng của văn học sẽ giúp nhân dân ta thêm một cách tiếp cận với lịch sử, để hiểu và trân trọng những gì mà lớp lớp cha ông mình đã phải đánh đổi để giữ gìn và xây dựng được tổ quốc như ngày nay. Bên cạnh đó, từ những câu chuyện, những bài học đã được đúc rút từ ngàn năm lịch sử, tôi cũng muốn gửi gắm vào đó những tâm sự, những quan niệm về đối nhân xử thế, về những bài học làm người đối với xã hội hiện đại”, nhà văn tâm sự. Ông dẫn chứng: Như truyện ngắn “Gặp gỡ ở Đông Quan” chẳng hạn. Nguyễn Trãi từng bị Hoàng Phúc, tướng của nhà Minh bắt giữ, nhưng khi thoát ra được, theo Lê Lợi đại phá quân Minh, Hoàng Phúc lại rơi vào tay Nguyễn Trãi. Ông đã lấy đạo của người quân tử để đối xử với kẻ thù của mình chứ không theo lối tiểu nhân mà trả thù xưa khiến Hoàng Phúc rất khâm phục. Người xưa đã vậy, ngày nay, khi viết truyện này, tôi cũng muốn nhắc nhở các trí thức của ta, khi ở vị trí cao thì không nên khinh thường người khác, và khi ở vị trí thấp thì cũng đừng bao giờ để đánh mất mình.
Theo nhà văn Ngô Văn Phú, viết cái gì cũng cần có thời gian để suy nghĩ tìm tòi cách thể hiện ý tưởng. Song, với truyện lịch sử, cái khó nhất cũng là cái khác biệt nhất so với truyện hiện đại đó là việc tìm tư liệu. Bởi không phải bất cứ nhân vật nào cũng có tư liệu đầy đủ. Trước hết phải tìm bằng được ghi chép về họ trong chính sử để đảm bảo rằng việc mình viết trong tác phẩm của mình về họ là hoàn toàn có thật.
Ông cũng cho rằng, sáng tác là tự do của mỗi cá nhân, không ai có thể cấm đoán, nhưng riêng về vấn đề lịch sử thì tất cả mọi lý giải, suy luận và góc nhìn của tác giả phải chấp nhận được. Nhất là viết về một danh nhân lịch sử nào đó, tên tuổi, sự nghiệp, phẩm giá, tư cách, tài năng của họ đã được lịch sử khẳng định như những biểu tượng, vì vậy khi sáng tạo về họ không được vượt quá những khuôn khổ bền vững mà lịch sử đã đúc nên.
Ông đưa cho tôi xem cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” ông đã đọc nhiều lần, nhiều chỗ sờn mòn… Đọc những tư liệu chính sử, rồi nhà văn còn đọc các giai thoại về các nhân vật lịch sử, để thêm sinh động. “Tôi viết lịch sử theo dòng chính thống qua các danh nhân để nêu bật những đức tính của con người Việt Nam như nhân ái, vị tha, cao thượng… Phần hư cấu chỉ nhằm nhấn mạnh, làm rõ thêm tính cánh nhân vật”, nhà văn nêu quan niệm.
Ông cũng kể rằng, có những truyện từ khi hình thành ý tưởng đến khi xuất bản ông phải mất đến 4, 5 năm tìm hiểu trong tất cả các nguồn sử liệu. Như cuốn “Lý Công Uẩn”. Hay cuốn “Vết đạn thành Cửa Bắc” viết về nhân vật Lưu Vĩnh Phúc trong khởi nghĩa “Cờ Đen”, đây là một nhân vật hầu như chỉ được lịch sử nhắc qua tên mà ít đề cập về thân thế, gia tộc mặc dù thời điểm ông sinh sống không cách xa chúng ta bao lâu. “Với những nhân vật này, khi tìm được một chút sử liệu về họ tôi thấy quý hơn cả bắt được vàng. Tuy nhiên, việc thể hiện trong tác phẩm cũng là một thách thức. Tuy tất cả những người mình viết đều không còn sống để “cãi” nhưng mình cũng không thể viết “huyên thuyên” được. Vì độc giả tinh lắm. Viết không khéo và viết với một thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu tôn trọng là sẽ bị phản ứng ngay”, nhà văn chia sẻ.
Không chỉ viết thơ, truyện, tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Ngô Văn Phú còn làm biên khảo, biên soạn, chủ biên nhiều đầu sách. Thống kê sơ sơ thôi ông cũng là tác giả của khoảng 230 cuốn. Còn nếu kể cả những cuốn sách in chung thì chính ông cũng không nhớ được chính xác.
Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú, sinh ngày 8/4/1937 tại Nam Viêm, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Nam Viêm, Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1970). Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (ngành ngữ văn), ông về làm biên tập viên báo Văn học (1961-1963); báo Văn nghệ (1963-1966); biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1972 ông giải ngũ; Từ 1972 đến 1976 phụ trách tổ thơ và tổ văn xuôi, tuần báo Văn nghệ. Từ 1976 đến 1998 là Trưởng ban thơ, Phó giám đốc NXB Tác phẩm mới, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, nay đã nghỉ hưu.
Ông đã được nhận: Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961; Giải thưởng văn xuôi báo Văn học. Giải thưởng ca dao của báo Văn học, 1962; Giải thưởng văn học 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1980-1985); Giải thưởng 5 năm Văn học Hùng Vương của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (1975-1980)...