100 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê: Yêu đàn như yêu người
GS.TS Trần Văn Khê là một tên tuổi lớn, có công rất lớn trong việc gìn giữ, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ông rất xứng đáng là một trong những gương mặt trí thức tinh hoa của thế kỷ XX. Cuộc đời GS cho thấy một sự dấn thân hết mình cho quê hương, đất nước…
Năm nay (2021), nhiều hoạt động đã và đang được tổ chức để nhớ về GS Trần Văn Khê nhân 100 năm Ngày sinh của ông (24/7/1921 – 24/7/2021). Và năm nay, cũng đánh dấu 6 năm ngày GS Trần Văn Khê vắng bặt trên thế gian.
Mỗi khi nhớ tới GS Trần Văn Khê, tôi luôn nhớ về một con người mẫn tiệp, một trái tim luôn hướng về Tổ quốc. Cuộc đời ông là dọc dài những chuyến đi, những năm tháng sống ở nước ngoài, nhưng dường như không phút giây nào con tim ông không nghĩ về việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ông luôn đau đáu làm sao để âm nhạc Việt Nam được lan tỏa, được đóng góp vào di sản âm nhạc chung của thế giới.
Bây giờ, khi trái tim ấy đã ngừng đập, khi giọng nói của ông chỉ còn có thể nghe qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, thì những lời tâm sự của ông trong cuốn tự truyện cuối đời vẫn còn đây.
“Ai đi xa đất nước cũng nhớ về đất nước. Để vơi nỗi nhớ, có người về thăm đất nước, có người tìm mua những món ăn truyền thống của dân tộc, còn với tôi, thì tôi khảy mấy cung đờn. Khi nghe tiếng đờn, tôi thấy lòng bình yên, thấy mình thêm gần đất nước hơn”, lời tâm sự của GS Trần Văn Khê. Và vì thế, thật dễ hiểu khi ông viết: “Đờn reo đất nước thấy thêm gần”.
“Tôi luôn thương nước Việt Nam nên đã chọn con đường nghiên cứu, giảng dạy, thuyết giảng về âm nhạc để giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam. Tôi nghĩ đó là phận sự”.
“90 năm trong cuộc đời, tôi thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Tôi nghĩ rằng làm chủ bản thân trước những hỉ nộ ái ố là điều quan trọng để bạn có thể thực hiện được những điều mình mong muốn và có cuộc sống buồn ít hơn vui”.
“Chúng ta không nên vì những bất mãn trong nghề nghiệp mà làm tổn thương đến tình cảm giữa người với người”.
“Trong quá trình giảng dạy có thể có những trục trặc xảy ra, người thầy phải tùy cơ ứng biến”.
Và: “Với tôi, đờn cũng như một người bạn, mà còn là người bạn đặc biệt hơn cả người tình. Tôi hết mực tôn trọng và không bao giờ có cử chỉ phũ phàng với đờn”.
Mở lại những trang tiểu sử của GS Trần Văn Khê, thấy cuộc đời của ông thật đặc biệt. Ông sinh ra tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, Tiền Giang) trong một gia đình có 4 đời làm nhạc sĩ. Lẽ ấy, từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Năm lên 6 tuổi ông đã được cô (Ba Viện) và cậu (Năm Khương) dạy đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản dễ như "Lưu Thuỷ", "Bình Bán vắn", "Kim Tiền", "Long Hổ Hội". Ông nội là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có 3 người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó là Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng. Riêng mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành), sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 và bị thương rồi mất trong năm đó.
Mẹ mất năm 9 tuổi, cha mất năm 10 tuổi, nên ông cùng với hai em là Trần Văn Trạch, Trần Ngọc Sương được cô Ba Viện nuôi nấng. Cô Ba Viện rất thương, cho anh em ông đi học võ, học đàn kìm. Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học, sang Tam Bình, Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Đến đây Trần Văn Khê được học chữ Hán với nhà thơ Thượng Tân Thị. Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký, được cấp học bổng. Học rất giỏi, năm 1938 ông được phần thưởng là một chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé qua Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được đô đốc Jean Decoux thưởng cho đi thăm Campuchia xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, thăm Đế Thiên Đế Thích.
Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa. Tại đây, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện một trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của giàn nhạc trường, nhân giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước. Ông còn tham gia phong trào "Truyền bá quốc ngữ" trong ban của GS Hoàng Xuân Hãn, "Truyền bá vệ sinh" của các sinh viên trường Thuốc, và cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng tổ chức những chuyến "đi Hội đền Hùng", và đi thăm sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, đền Hai Bà.
Ông sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Luận văn của ông có tên: "LaMusique vietnamienne traditionnelle" (Âm nhạc truyền thống Việt Nam)…
GS Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO...
Năm 2004, ông chuyển về nước hàng nghìn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video... Tất cả tư liệu được ông tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc được đóng gói trong hơn 460 kiện hàng đi theo đường biển chở từ Pháp về Việt Nam. Năm 2003, ở tuổi 82, GS Trần Văn Khê chính thức về nước định cư. Tuổi cao, sức khỏe yếu nên GS Trần Văn Khê phải vào ra bệnh viện nhiều lần. Và lần cuối, đó là ngày 27/5/2015, ông trở bệnh nặng vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông nhập viện, được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 2h55 phút sáng 24/6/2015
Nhớ tới GS Trần Văn Khê, tôi nhớ mãi tới một bộ óc minh triết. Trước khi qua đời, ông đã để lại một bản di nguyện khá dài, với rất nhiều dặn dò con cháu và thế hệ sau. Bản di nguyện đó ông đề ngày 5/6/2015, có nghĩa rằng trước khi mất gần 20 ngày. Ở đó, ông dặn dò chi tiết: “Những hiện vật dính vào đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm… giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm lưu giữ”. Thậm chí, ông còn lo cho cả người giúp việc cho ông trong suốt 10 năm cuối đời. “Tôi ước mong sau khi tôi vĩnh viễn ra đi, cháu Nguyễn Thị Na được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này”.
Rồi ông mong, khi mình nằm xuống, tang lễ thực hiện theo nghi thức Phật giáo. Tại tang lễ, có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt…
Một số giải thưởng tiêu biểu của GS Trần Văn Khê
1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.
1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).
1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc.
1991: Officier de l'Ordre des Arts et des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement français (Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hoá Pháp).
1993: Cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.
1998: Huy chương Vì Văn hoá Dân tộc của Bộ Văn hoá Việt Nam.
1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương cấp.
2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.
2011: Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu.