Kỳ vọng dòng tiền chảy vào lĩnh vực kinh doanh, sản xuất

T.Hằng 20/07/2021 08:32

Một số ngân hàng thương mại đã được cấp thêm room tín dụng để có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng. Nhưng liệu dòng tiền có được đưa vào sản xuất kinh doanh khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, nhất là doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận tải?

Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng.

Tăng dư địa hỗ trợ khách hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh dư nợ tín dụng (room tín dụng) trong những tháng cuối năm 2021.

Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tối đa đến ngày 31/21/2021 được điều chỉnh room tín dụng từ 8,5% lên 12,1%. Hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có mức tăng trưởng tín dụng mới là 15% trong khi hạn mức cũ của ngân hàng này là 10,5%.

Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%, Techcombank nới room tín dụng từ 12% lên 17%, Vietcombank tăng room từ 10% lên 14%...

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của Tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều DN ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng vẫn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, không có hiện tượng tín dụng chứng khoán tăng vọt, vì NHNN kiểm soát chặt chẽ trong hạn mức quy định.

Dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán thời gian gần đây có thể là từ nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư cá nhân, từ các kênh đầu tư khác hoặc từ vay margin của các công ty chứng khoán. Vấn đề này nằm ngoài phạm vi kiểm soát của NHNN.

Trong văn bản chấp thuận hạn mức tăng trưởng của một số ngân hàng, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng phải chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ngoại hối, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu…

Các ngân hàng cần tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.... giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ...

Vì sao ngân hàng lợi nhuận cao?

Hiện nay một số ngân hàng cũng đã hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của năm. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Mã: SGB) công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 137 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành xong kế hoạch cả năm. Không chỉ Saigonbank, nhiều ngân hàng khác cũng báo lãi nghìn tỷ.

Trả lời câu hỏi này ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tín dụng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc và kỷ luật, nếu DN nào chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất cao thì xem lại hiệu quả của dự án, vì quá rủi ro với ngân hàng. “Hiện nay các ngân hàng đều cố triển khai nhiều dịch vụ mới hiện đại, giúp tăng tỷ lệ thu từ dịch vụ, có nơi đóng góp tới 40% vào lợi nhuận, điều này phù hợp với xu thế quốc tế”, ông Hùng nói.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng phân tích, thực tế lợi nhuận ngân hàng cũng gắn chặt với “sức khoẻ” của DN. Ngay cả lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng hiện nay đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

T.Hằng