Mía đường chưa hết lao đao
Ngành mía đường trong nước vẫn chưa hết khó khăn, mặc dù Bộ Công thương đã có động thái đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.
Cụ thể, ngày 15/6 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan ở mức 42,99% và áp thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%, các mức thuế trên được áp trong thời hạn 5 năm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngay sau khi công cụ phòng vệ thương mại của chúng ta được đưa ra, giá đường sản xuất trong nước thời điểm đó đã có những chuyển biến rõ rệt. Theo đó, giá đường sản xuất trong nước trong tháng 6/2021 có xu hướng tăng và dao động quanh mức 16.000 - 18.000 đồng/kg tùy vào từng loại đường.
Song, mặc dù giá đường sản xuất trong nước có nhích lên tuy nhiên vẫn khó có thể cạnh tranh được với đường nhập khi mà giá đường nhập vẫn luôn duy trì ở mức thấp hơn giá đường trong nước. Dù đã áp các biện pháp phòng vệ thương mại, đường nhập khẩu dường như vẫn đang có cách để “lách luật”.
Bằng chứng là, giá đường nhập vẫn đang ở mức chỉ khoảng 16.100 đồng - 17.000 đồng/kg, thấp hơn hẳn so với giá đường sản xuất trong nước. Vì giá vẫn thấp hơn nên đương nhiên nhiều đại lý phân phối vẫn chỉ chọn mua đường nhập bởi tính lợi nhuận vẫn cao hơn. Bởi vậy, theo VSSA, ngành mía đường trong nước vẫn chưa hết khó khăn khi chưa thể cạnh tranh với giá đường nhập.
Số liệu của Tổng cục Hải quan dẫn một thực tế, 5 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia cận kề Thái Lan như Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng ở mức độ chóng mặt, từ 20.043 tấn năm 2020 lên con số “khủng” trên 320.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, những quốc gia nói trên hoàn toàn không có năng lực sản xuất mía đường. Rõ ràng, đây là biểu hiện của sự gian lận, tìm cách lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của đường nhập khẩu.
Điều này thể hiện rõ ở con số thống kê 6 tháng đầu năm 2021, đường có nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng không được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vẫn tiếp tục tràn vào trong nước thông qua việc nhập khẩu qua nước thứ 3.
Bởi, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ ở mức 5%, đây là mức thấp hơn nhiều so với mức thuế mà đường nhập từ Thái Lan phải chịu khi bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đó là lý do đường nhập từ Thái Lan đã tính “đường vòng” để né thuế. Và như vậy, ngành mía đường trong nước vẫn tiếp tục lao đao.