Lời hứa với dân
Lời hứa và thực hiện lời hứa của một đại biểu dân cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ thể hiện phẩm chất, đạo đức một cá nhân thông qua những việc “hứa là phải làm” mà việc thực hiện lời hứa của một đại biểu dân cử còn củng cố cho niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội, không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”.
Và Người - sau khi được nhân dân bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1946 đã thực hiện lời hứa, làm hết sức mình vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Ở mỗi kỳ họp của Quốc hội, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày giống như một “Bức thư của nhân dân” thông qua Mặt trận gửi tới Quốc hội những tâm tư của mình.
Dòng chảy đời sống và những biến động xã hội luôn được cập nhật trong “bức thư” ấy. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi là sự kỳ vọng vào những gì mà đại biểu Quốc hội đã hứa với dân.
Bởi vì trong cuộc sống, giá trị của mỗi người không phải ở địa vị hay giàu có mà là ở sự tử tế trong việc giữ lời hứa của mình. Việc giữ lời hứa là một thước đo quan trọng của niềm tin. Sự trân quý của lời hứa đảm bảo cho uy tín, danh dự, nhân phẩm của một con người. Nhưng đối với một đại biểu dân cử hay một cán bộ lãnh đạo, sự trân quý ấy còn là danh dự của tổ chức, danh dự của quốc gia.
Cho nên ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đã trao đi một lời hứa đồng nghĩa với việc nhận lại một niềm tin. Cuộc sống vốn được gắn kết với nhau bằng những lời hứa - bằng niềm tin cho nên sự tổn thương lớn nhất chính là sự thất hứa.
Ngay trong kỳ bầu cử Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa rồi, đã có ứng cử viên vi phạm về tiêu chuẩn, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định bầu cử. Thậm chí có ứng cử viên đã trúng cử ĐBQH nhưng lại bị xem xét không công nhận tư cách đại biểu…
Chưa kể, ở những nhiệm kỳ trước, vẫn có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu ở nghị trường, không đưa ra một quan điểm nào, nếu có lại chỉ là hứa suông, hứa chung chung. Điều đó cho thấy có không ít lời hứa đã “bay” theo gió.
Việc này không chỉ làm cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, uy tín của Đảng và Nhà nước bị suy giảm mà còn làm cho hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội bị ảnh hưởng xấu.
Trên thực tế, rất nhiều đại biểu dân cử dành được niềm tin của cử tri và nhân dân vì cách họ thực hiện lời hứa. Đối với họ, việc thực hiện lời hứa không chỉ quan trọng khi đứng trước một đám đông, trong một cuộc họp mà còn có ý nghĩa đặc biệt khi họ về với dân, lắng nghe câu chuyện của một đứa trẻ hay tâm tư của một người nghèo khó…
Họ mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường, tranh luận và chất vấn một cách dân chủ, thẳng thắn với những người đứng đầu trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đó chính là cách họ đã đối xử tốt với lời hứa của mình.
Ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là kỳ họp hết sức đặc biệt để hoàn thiện chức danh cán bộ cao cấp nhà nước tại Trung ương cũng như tại các địa phương.
Tại kỳ họp này, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước sẽ mang đến nhiều kỳ vọng, gửi gắm tâm tư của nhân dân về một nhiệm kỳ mới. Trong đó, không thể thiếu việc đề cao trách nhiệm, cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri của mỗi đại biểu Quốc hội. Nhất định không để “lời hứa gió bay”.
Và không chỉ vậy, nếu lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, ai cũng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, về lời hứa với dân thì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng như Khát vọng Việt Nam hùng cường, chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực.