Nhiệm vụ đặc biệt
Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong khi các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra văn bản yêu cầu 7 Bộ trưởng thành lập ngay các tổ công tác đặc biệt, vào “chiến trường” để giúp các địa phương “đánh giặc”.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ: Quốc phòng, Công thương, NNPTNT, GTVT, Xây dựng, TT-TT và LĐTBXH cần phải thành lập ngay các tổ công tác đặc biệt do một thứ trưởng trực tiếp chỉ huy, giúp các địa phương có nhiều ca Covid-19, nhất là TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội và dập dịch hiệu quả.
Tất nhiên, nếu Thủ tướng Chính phủ không “nhắc việc”, các bộ trưởng cũng vẫn sẽ thành lập các tổ công tác, chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn, có rốt ráo, quyết liệt giúp các địa phương phòng, chống đại dịch Covid-19 hay không mà thôi. Nay, đã có “chỉ lệnh” của người đứng đầu Chính phủ, tin rằng chẳng có ngành nào dám chần chừ nữa.
Để các bộ trưởng không thành lập tổ công tác đặc biệt “trên giấy”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ công tác này phải phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, chủ động xử lý ngay những vấn đề phát sinh, đồng thời phải báo cáo hàng ngày với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quan trọng và rất cấp bách, vì thế các bộ trưởng phải tập trung chỉ đạo thực hiện, sớm thể hiện và phát huy vai trò tổ công tác đặc biệt của các ngành tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là những địa phương đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Không chỉ “nhắc việc” các bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trên cả nước cần phải có ngay báo cáo tổng thể về khả năng nguồn lực y tế của địa phương. Địa phương nào có tình hình dịch phức tạp cần hỗ trợ nhân lực, vật lực thì cần bao nhiêu. Ngược lại các địa phương khác nếu thừa thì thừa bao nhiêu?
Mục đích của việc yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo khả năng nguồn lực y tế là để Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch Covid-19 nắm được, phòng khi cần tới có thể điều phối hợp lý, mới có thể khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh tại mỗi địa phương. Tránh tình trạng nơi không dùng đến, nơi lại quá tải, thiếu nghiêm trọng nguồn lực y tế.
Và cũng để không tái diễn tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, lãnh đạo các địa phương “câu giờ” không chịu thực hiện “chỉ lệnh” của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước phải gửi báo cáo cho Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch Covid-19 trước 17h chiều nay (20/7).
Trước sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, dư luận xã hội rất đồng tình, ủng hộ. Song, nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra các bộ, ngành, địa phương phải tự biết nhiệm vụ của mình để có thể giảm tải gánh nặng công việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải đợi “nhắc việc” như vậy.
Luồng ý kiến trên là hoàn toàn hợp lý, bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn rất nhiều công việc phải suy nghĩ, lo toan để vừa đảm bảo phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn đều dồn về Chính phủ, làm sao có thể đảm bảo thời gian, hiệu quả giải quyết công việc?
Mong rằng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu 7 bộ trưởng thành lập các tổ công tác đặc biệt vào “chiến trường” đánh “giặc dịch” sẽ là tiền đề để các bộ, ngành, địa phương năng động, sáng tạo hơn trong công việc vào thời gian tới. Đừng quá chậm trễ để rồi Thủ tướng Chính phủ lại phải “nhắc việc”.