Cụm di tích quốc gia An Hoạch kêu cứu
Là quần thể đền, chùa, thắng tích được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1992, cụm di tích An Hoạch (thành phố Thanh Hóa) mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Tuy nhiên sau gần 30 năm được cấp bằng, di tích này đang dần rơi vào lãng quên, xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng.
Vốn là quần thể di tích lịch sử và thắng tích mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, cụm di tích An Hoạch bao gồm: Lăng Quận Mãn; đền Quán Thánh (hay còn gọi là Hinh Sơn cổ bi tự) - là nơi thờ Phật và cũng là nơi thờ Khổng Minh cùng các danh tướng thời Tam Quốc và Thánh Mẫu.
Chùa có kiến trúc gồm tiền đường, trung đường và hậu cung. Ở nhà tiền đường có đặt tấm bia “Hinh Sơn cổ tự bi” ghi về việc tu tạo chùa. Các pho tượng khác cũng được tạc vào thành vách của hang, đồ thờ đều được làm bằng đá quý; Núi Vọng phu - thắng cảnh gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hoá đá; đền Thượng - trung tâm sinh hoạt văn hóa và tế lễ của 4 làng (hay bốn Ban): Làng Tu (tức là thôn Nhuệ), làng Nạy, làng Sau và làng Thượng Đống, cũng là nơi thờ Thành Hoàng, ông tổ của nghề khắc đá.
Cuối cùng là di tích chùa Tiên Sơn, đây là một trong cụm di tích được xây dựng ở trong động đá núi Khế, thuộc làng Nhuệ. Chùa còn lưu giữ rất nhiều bức tượng phù điêu quý như tượng Quan Đế, Chu Xương... Đồng thời, chùa còn là nơi tổ chức hội nghị bí mật của đại biểu toàn tỉnh, bầu ra Ban chấp hành Tỉnh bộ chính thức của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội vào tháng 4 năm 1928.
Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, năm 1992, Bộ VHTTDL đã cấp bằng công nhận đây là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau gần 30 năm được công nhận, cụm di tích này đang dần rơi vào lãng quên, bị xuống cấp và xâm hại nghiêm trọng.
Có mặt tại khu lăng Quận Mãn - nơi thờ phụng Quận Công Lê Trung Nghĩa, một danh tướng thời Lê Trung hưng, chúng tôi không khỏi xót xa trước sự xuống cấp gần như trở thành phế tích tại di tích này. Ngay tại cổng vào, hai cánh cổng sắt xập xệ được chằng néo cố định bằng vài sợi thép hoen gỉ, tường rào được xếp bằng nhiều loại gạch, đá thay thế cho tường đã bị đổ từ khá lâu trước đó, cây dại và dây leo bò phủ kín những tấm bia cổ.
Phía bên trong, một thân rùa đá đội bia nằm chỏng chơ bên lối đi, bia đã bị thất lạc. Cùng với đó là quần thể tượng đá voi phục, hổ chầu và hai hàng tượng quan binh được chế tác bằng đá xanh sứt mẻ và rêu phong, ban thờ sụt móng, bát hương nghiêng ngả.
Ông Lê Đình Chuyền, một người được dòng họ cắt cử để dọn dẹp và trông coi khu di tích không giấu được sự trăn trở của mình cho biết: Hiện nay khu di tích đang bị xuống cấp và xâm hại nặng nề theo thời gian do không được quan tâm trùng tu.
Minh chứng rõ nhất là trạm y tế phường được chính quyền cho xây dựng trên đất quy hoạch di tích. Không dừng lại ở đó, khi tiến hành xây dựng công sở phường An Hoạch, chính quyền lại “xén” đi của di tích mất hơn 20m vuông.
“Mới đây, dòng họ chúng tôi đã họp lấy ý kiến con em và làm đơn gửi các cấp, xin lại các phần đất đã mất và xây dựng, trùng tu lại một số hạng mục của đền nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”, ông Chuyền nói.
Rời lăng Quận Mãn, chúng tôi vòng qua thăm các di tích nằm trong quần thể như: Đền Quán Thánh, chùa Tiên Sơn, đền Thượng, núi Vọng phu. Tại hầu hết các di tích này, sự xuống cấp và bị xâm hại một cách “vô tội vạ” được thể hiện ngay từ các lối vào.
Tường rào được người dân chắp vá bằng mọi vật liệu có thể sử dụng, nhiều hạng mục được đổ bê tông, xây gạch còn lộ cả tre nứa, cốt pha. Phía trong các khu di tích, các bức tượng và các bài thơ, phú chạm nổi trên vách đá, tỉ lệ 1/1, được người dân tự ý “sơn son thiếp vàng”, trông lòe loẹt như những bức tranh hí họa.
Dưới chân các di tích, các công trình dân sinh được xây dựng ken sát, không còn phân biệt được đâu là đất của di tích, đâu là đất của người dân. Rõ ràng, cụm di tích An Hoạch đang bị xâm hại nghiêm trọng theo cái cách vẫn hay gọi tếu là “Trùng tu nhân dân, mạnh ai nấy làm”.
Đem vấn đề nêu trên đến UBND phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, chúng tôi được ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Thực ra tình trạng xuống cấp và thực trạng trùng tu theo cách “mạnh ai nấy làm” diễn ra lâu nay tại cụm di tích An Hoạch ai cũng biết.
Tuy nhiên, vì đây là di tích cấp quốc gia đã bị “bỏ quên” lâu nay nên công tác bảo vệ và phát huy các giá trị cũng không được các ngành chuyên môn chú ý đến. Đồng thời, vì đây là cụm di tích, bao gồm cả phần thờ nhân vật lịch sử và các danh thắng, đền thờ thành hoàng làng, ông tổ nghề chế tác đá Nhồi nên rất khó bóc tách để trùng tu từng hạng mục.
“Cái khó nhất hiện nay là công tác trùng tu, tôn tạo các hạng mục trong cụm di tích. Vì đây là di tích cấp quốc gia nên khi tiến hành sửa sang tôn tạo phải có đề án cụ thể và được Cục Di sản phê duyệt. Mà các anh biết rồi đấy, để được phê duyệt là điều không dễ. Bên cạnh đó là khó khăn về kinh phí. Với thực trạng xuống cấp và bị xâm hại hiện nay, để khôi phục, chỉnh trang được cụm di tích nhà nước phải đổ vào đây hàng nghìn tỷ đồng mới có thể hoàn thiện. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc di tích bị bỏ quên lâu nay!”, ông Lợi cho biết thêm.
Được biết, mới đây tỉnh Thanh Hóa đã lập đồ án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đối với cụm di tích núi An Hoạch (gồm lăng Quận Mãn, núi Vọng Phu, đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, núi Nấp, địa điểm Thanh niên xung phong) giai đoạn 2020 – 2025. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay của cụm Di tích An Hoạch, đề án nói trên có thể sẽ bị rơi vào tình trạng bất khả thi.