Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu
Nhằm tuyên truyền Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2021, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận tổ chức, điều phối hàng hóa của các doanh nghiệp trên thị trường khi có biến động theo chỉ đạo của Sở Công Thương và UBND Thành phố; theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đảm bảo nguồn hàng hóa dự trữ bán ra theo kế hoạch doanh nghiệp đăng ký được duyệt.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước. Ngay sau khi quyết định được ban hành, ở Hà Nội đã có hiện tượng người dân đến một số siêu thị, cửa hàng để mua sắm, tích trữ hàng hoá, lương thực, thực phẩm.
Theo Bộ Công Thương, Thành phố Hà Nội đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, phương án dự trữ tăng gấp 5 lần, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị, sẵn sàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm; Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tang cao.
Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu), và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Điển hình trong công tác tuyên truyền về Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, UBND quận Thanh Xuân là một trong những đơn vị tiêu biểu. Cụ thể, UBND quận đã ban hành văn bản số 1098/UBND-KT, yêu cầu phòng Kinh tế quận chủ trì nắm bắt thị trường, tham mưu UBND quận tổ chức, điều phối hàng hóa của các doanh nghiệp trên thị trường khi có biến động theo chỉ đạo của Sở Công Thương và UBND Thành phố; theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đảm bảo nguồn hàng hóa dự trữ bán ra theo kế hoạch doanh nghiệp đăng ký được duyệt.
Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND quận, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác, quản lý chợ trên địa bàn bố trí điểm, quầy hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng phục vụ Nhân dân; đưa hàng hóa thuộc Chương trình tới các bếp ăn tập thể của các trường học, để người dân được hưởng lợi từ Chương trình.
Cùng với đó, Công an quận tăng cường phối hợp với UBND các phường giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; đảm bảo an toàn trật tự tại các khu vực các chợ trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lợi bất chính; các hoạt động sản xuất kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ghi nhận tại một siêu thị Vinmart trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhìn chung, nguồn cung hàng hoá vẫn đảm bảo đầy đủ và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân TP trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, siêu thị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân viên và người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K về phòng chống dịch tại siêu thị như: sát khuẩn trước khi vào siêu thi, đeo khẩu trang, người dân thanh toán đứng đúng khoảng cách…
Chị Hà Anh - cửa hàng trưởng tại siêu thị Vinmart Nguyễn Xiển chia sẻ: Mặc dù nguồn cung hàng hóa tại siêu thị trong thời điểm dịch bệnh còn gặp một số khó khăn, song trong bất kỳ tình huống nào, siêu thị cũng cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong cửa hàng, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, bán hàng onilne… để hạn chế tập trung đông người tại siêu thị.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh. Bộ Công Thương đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội, chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.