Thầm lặng nơi tâm dịch
Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh, những cán bộ Mặt trận của phường, quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã có mặt ở các điểm nóng nhất của dịch, các khu vực cách ly, giãn cách, dãy trọ của người lao động tự do. Họ là những chiến sĩ thầm lặng ở cơ sở trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tạm gác việc nhà
Ngày 20/7, chúng tôi có mặt tại phường 10, Quận 10, một trong những địa bàn nóng nhất của TP HCM về tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngay từ sáng sớm, tất cả các lực lượng đều có mặt. “Cố lên anh em, bà con trong khu cách ly phong toả đang cần chúng ta”, ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường 10, quận 10 nói.
Riêng phường này có tới 5 ổ dịch lớn, tính tới thời điểm sáng 20/7 có hơn 200 người dương tính với Covid-19. Chính vì vậy, số lượng F1, F2 tại khu vực phường rất lớn. Rất nhiều con hẻm tại đây đã được phong toả từ nhiều ngày qua, trong đó nhiều người dân cần được tiếp tế về lương thực, thực phẩm.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 10 (Quận 10) chia sẻ: “Mặt trận phường chỉ có 4 anh em. Đã nhiều ngày qua, 4 anh em chỉ về nhà để tắm, sau đó lại đi rồi nghỉ tập trung ở phường. Nhiều anh em nhớ nhà, nhớ con nhưng chỉ về đứng nhìn từ xa rồi lại đi vì phải đảm bảo phòng, chống dịch. Và quan trọng hơn, các khu cách ly phong toả đang rất cần anh em, nên đành gác lại nỗi nhớ gia đình trong những tháng ngày này”.
“Tôi rất thương và lo cho anh em”, bà Trần Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 10, TP HCM khi chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn kết về những khó khăn, vất vả mà những “anh em người của Mặt trận” ở Quận 10 đang phải đương đầu ngày đêm chống giặc dịch Covid-19.
“Rất nhiều anh em ở Mặt trận tại cơ sở phường đều đã nhiều ngày căng mình chống dịch. Trong đó, Mặt trận phường 2 là những anh chị lớn tuổi, anh em xông pha vào các khu chung cư để chăm lo hết cho tất cả bà con nhân dân đang trong khu phong toả. Trong quá trình tham gia, Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường 2, cùng 10 cán bộ chiến sĩ Mặt trận đều bị dính Covid-19. Tôi rất thương và lo anh em. Những sự hy sinh thầm lặng đó cũng là động lực để anh em khác tiếp tục công tác chống dịch với lòng quyết tâm cao hơn”, bà Ngọc nói.
Không chỉ Quận 10, Mặt trận của tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đều chung hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm. Nhưng tất cả đều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, và cũng từ đây, các mô hình hỗ trợ người dân được sáng tạo ra, với mục tiêu thực phẩm tới tay người dân và các chiến sỹ trực chốt một cách nhanh nhất, đảm bảo cho người dân và các chiến sỹ trực chốt không bị đói.
Cầu nối
Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Củ Chi cho biết: Trong lúc bệnh nhân Covid và người nhà hoang mang, là lúc cán bộ Mặt trận cần thể hiện vai trò nhất. Tại một số xã, anh em sẵn sàng mang đồ bảo hộ lao vào khu vực cách ly, vác loa để làm công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, cổ động tinh thần để dân ủng hộ công tác chống dịch. Và quan trọng nữa là ngay lập tức phải vận động, kêu gọi để có nguồn nhu yếu phẩm, lo cái ăn cho bà con trong khu cách ly, để ổn định tình hình”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết, tại quận Bình Thạnh, từ đầu tháng 6/2021 các phường gồm phường 1, 2, 7, 11, 14, 15, 17 và phường 28 đều có “Gian hàng 0 đồng chia sẻ yêu thương”, tổ chức 3 buổi/tuần. Trên các tuyến đường Chu Văn An, Nơ Trang Long, Nguyễn Xí…, chúng tôi cũng bắt gặp các xe bán tải chở gạo tới tận nhà người dân trong khu phong toả.
Theo bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh, “Gian hàng 0 đồng chia sẻ yêu thương” đến nay đã hỗ trợ trên 6 tấn rau củ quả các loại và các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày (gạo, mì, dầu ăn, đường, hạt nêm, nước mắm, nước tương, sữa đặc, sữa tươi, cá hộp, trứng gà, trứng vịt, nui, bánh ngọt...), phục vụ hơn 2.273 lượt người đang sống trong khu vực phong tỏa.
Còn chương trình “Xe gạo yêu thương” nhằm lo cho những hộ dân, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chương trình bắt đầu từ ngày 29/6/2021 đến nay đã trao 2.274 phần gạo, 17.640kg gạo, kinh phí 267 triệu đồng.
Tương tự, huyện Củ Chi cũng có mô hình “Xe yêu thương”. Để triển khai chương trình, Uỷ ban MTTQ huyện chủ động đi vận động từ các hộ nông dân có rau củ quả đang ở khu chưa bị ảnh hưởng dịch. Đối với những khu bị ảnh hưởng dịch, Mặt trận đứng ra mua lại, vừa có nguồn cung, vừa chia sẻ có khăn với nông dân.
Tại quận Tân Bình, khu vực nhà thờ Tân Sa Châu, triển khai mô hình “ATM lướt ống” phát các phần cơm, bánh mì, gạo, khoai... cho người nghèo trong Covid-19. Mô hình này được Uỷ ban MTTQ quận phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện, mỗi ngày, 1.000 suất ăn 0 đồng sẽ được thả vào ống.
Việc này vừa đảm bảo giãn cách và không tụ tập đông người. Những người đến nhận cơm chủ yếu là người bán vé số, nhặt ve chai, xe ôm, vô gia cư và công nhân ở các khu công nghiệp. Mỗi người chỉ được lấy một suất cơm và phải nhanh chóng di chuyển cho người khác vào nhận.
Công việc của cán bộ Mặt trận ở vùng dịch TP HCM là công việc của những người chiến sĩ thầm lặng, góp phần quan trọng vào công tác chống dịch của thành phố.