Du lịch Quảng Nam vượt khó
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Vậy hướng đi nào cho ngành du lịch Quảng Nam? Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Quảng Nam, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, như 2 di sản văn hóa (DSVH) thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn; nghệ thuật Bài chòi - DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm nổi tiếng, hàng chục làng nghề truyền thống và lễ hội độc đáo…
Quảng Nam còn có núi rừng Trường Sơn đại ngàn nơi lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống quý báu của cộng đồng các dân tộc thiểu số; có Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.
Quảng Nam là vùng đất có bề dày và tính đa dạng về văn hóa do sớm có sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa Chăm, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, và một số nước phương Tây; sự đa dạng ấy còn được thể hiện qua bản sắc văn hóa của 4 tộc người bản địa cư trú ở vùng miền núi Quảng Nam.
PV: Với thế mạnh của mình, du lịch Quảng Nam đã gặt hái được những gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh về DSVH và tự nhiên, du lịch Quảng Nam những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 21,3% mỗi năm; Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách. Khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ.
Du lịch tỉnh Quảng Nam đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao tặng, trong đó Hội An đã nhận hàng chục danh hiệu được bình chọn từ các tạp chí danh tiếng trong nước và quốc tế.
Hội An nằm ở tốp 3 thành phố tuyệt vời nhất thế giới năm 2020 do tạp chí Travel and Leisure bình chọn. Tại Quảng Nam, nhiều điểm du lịch cộng đồng cũng đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN như Triêm Tây, Điện Bàn, Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, Nam Giang…
Dịch Covid-19 khiến du lịch Quảng Nam đứng trước những khó khăn gì?
-Chính vì dịch Covid-19 mà trong thời gian qua, lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh. Hiện trên 90% doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 13.000 tỷ đồng.
Chính vì thế, 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch chỉ ước đạt 326.300 lượt khách giảm 92% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 121 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương với giảm 2.800 tỷ đồng)…
Vậy ngành du lịch Quảng Nam phải làm gì trong hoàn cảnh hiện tại?
-Thực hiện chủ trương “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu ban hành và triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch, đồng thời đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Có thể nêu cụ thể như: Kế hoạch số 3245 ngày 15/6/2020 về việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch sau dịch Covid-19; Quyết định số 128 ngày 13/1/2021 về Kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; Nghị quyết số 04/2020 của HĐND về giảm mức thu phí tham quan trên địa bàn tỉnh...
Xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế “hộ chiếu vaccine” đến Quảng Nam; rà soát để tham mưu hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch gặp khó khăn; tổ chức nhiều hoạt động kích cầu để thu hút khách du lịch nội địa…
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp nên nhiều hoạt động, sự kiện kích cầu du lịch đang tạm dừng, hoạt động kinh doanh du lịch vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, lượng khách du lịch đến Quảng Nam giảm sút mạnh. Dự báo tình trạng khó khăn của ngành du lịch sẽ còn kéo dài.
Trước tình hình này, Sở VHTTDL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, triển khai các giải pháp để phục hồi du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp du lịch hoạt động; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch nội địa; làm tốt công tác môi trường du lịch, tạo môi trường an toàn, đảm bảo an ninh trật tự phát triển du lịch; xây dựng chương trình kích cầu du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL tham mưu Đề án Năm Du lịch quốc gia trình UBND tỉnh báo cáo Bộ VHTTDL thống nhất để tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022; đề án phát triển một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Các nhóm giải pháp trên được triển khai trên cơ sở đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Định hướng trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam xác định sẽ phát triển du lịch theo hướng bền vững, du lịch xanh phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới; gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, truyền thống tốt đẹp của con người và quê hương Quảng Nam, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!