Bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội: Chờ đợi trong cay đắng
Ba năm tham gia hệ đào tạo Bác sĩ nội trú của trường Đại học Y Hà Nội nhưng chỉ được cầm trên tay một tấm bằng duy nhất. Cho đến khi chính thức đi làm, các bác sĩ nội trú mới nhận thấy nhiều bất cập, thiệt thòi vì không có bằng Thạc sĩ và bằng Chuyên khoa cấp I. Dù nhiều lần lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, nhưng đến nay, một câu trả lời thỏa đáng cũng chưa từng được nhận, họ chỉ đợi chờ trong sự bức xúc và cay đắng…
Những câu chuyện 'dở khóc dở cười'
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, bác sĩ H.N.V. (khóa 28, hệ Bác sĩ nội trú, Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN)) cho biết: “Khó khăn đầu tiên đối với các bác sĩ nội trú là về mức lương. Không có bằng Cao học và bằng Chuyên khoa I, rất nhiều bác sĩ nội trú khi được nhận vào làm ở các bệnh viện sẽ chỉ có mức lương ngang với cử nhân…” trong khi thời gian, trình độ đào tạo và chuyên môn của bác sĩ nội trú được đánh giá cao hơn hẳn.
Không những vậy, các bác sĩ nội trú còn không có cơ hội thi lên nghiên cứu sinh. “Đây cũng là một trở ngại rất lớn đối với chúng tôi. Vì không có bằng Cao học mà không được học lên nghiên cứu sinh trong khi bác sĩ nội trú được đánh giá có chuyên môn rất tốt. Điều này cũng gây nên sự bức xúc trong suốt những năm qua”, bác sĩ V. cho hay.
Bài 1: 'Quảng cáo' 3 bằng chỉ phát 1 bằng: Đại học Y Hà Nội có 'lừa' bác sĩ nội trú?
Để có thể trúng tuyển hệ đào tạo Bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội, nhiều bác sĩ đã phải trải qua quá trình sàng lọc khắt khe và học tập hết sức nỗ lực. Dù trong quy chế tuyển sinh có nêu rõ, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 tấm bằng bao gồm: Bằng bác sĩ nội trú bệnh viện, bằng Chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ, tuy nhiên, từ năm 2004 đến năm 2017, Đại học Y Hà Nội chỉ cấp duy nhất một tấm bằng Bác sĩ nội trú cho hàng trăm bác sĩ, gây nên nhiều bức xúc, bất bình…
(xem tiếp)
Việc không được cấp bằng Cao học và Chuyên khoa cấp I cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy tiếp theo, các bác sĩ nội trú sẽ không thể trở thành giảng viên tại các trường Đại học (trong đó có cả giảng viên đang công tác tại trường ĐHYHN) và bác sĩ chính ở các bệnh viện.
“Để gỡ khó, một số bác sĩ nội trú lựa chọn cách học Chuyên khoa II, một số chọn cách tiếp tục học Cao học, số còn lại thì đợi chờ được cấp bằng theo đúng quy định. Thực ra rất nhiều bác sĩ nội trú mong muốn học lên Tiến sĩ, nhưng vì không có bằng Cao học nên đành chấp nhận học Chuyên khoa II. Đây là thứ thay đổi cuộc đời cả tương lai của một người bác sĩ. Trong quá trình học nội trú, nếu kết quả học tập không tốt sẽ bị “rớt” xuống hệ Cao học hoặc Chuyên khoa I. Tại sao lại bắt chúng tôi phải học lại bằng Cao học, học lại chính những chứng chỉ mà chúng tôi đã hoàn thành trước đây?”, bác sĩ V. bức xúc.
Bác sĩ V. cũng chia sẻ: Một giảng viên trường Y Hà Nội, cũng là bác sĩ nội trú đàn anh, đã nói với chúng tôi rằng “Thời gian học Nội trú tuy 3 năm nhưng có thể coi bằng 10 năm học Cao học…” vì các bác sĩ nội trú phải luôn luôn lăn lộn tại bệnh viện, thời gian làm, thời gian học vô cùng áp lực.
Bởi vậy không ngẫu nhiên mà bác sĩ nội trú được đánh giá là lực lượng nòng cốt của ngành y. Thế nhưng, thực tế lại bất cấp khi chính những lực lượng này không được đáp ứng quyền lợi chính đáng của họ.
Bác sĩ N.V.P. (khóa 38) là một trong nhiều bác sĩ nội trú ngậm ngùi chọn cách tiếp tục học Cao học để có cơ hội giảng dạy tại ĐHYHN. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ P. kể, vì biết thông tin các khóa trước đó đều không được cấp bằng Thạc sĩ nên ngay sau khi tốt nghiệp (năm 2018) anh đã phải quyết định học Cao học.
Mặc dù, theo bác sĩ P., việc học Cao học không chỉ tốn rất nhiều thời gian để ôn thi đầu vào mà còn mất thêm học phí, mất thêm 2 năm học chỉ để… học lại những kiến thức đã được học trong chương trình hệ Bác sĩ nội trú.
“Những bác sĩ học xong hệ nội trú mà được nhận làm cán bộ giảng dạy sẽ không đủ điều kiện làm giảng viên chính do không có bằng Thạc sĩ. Bởi vậy, tất cả những bác sĩ này đều phải thi lại Cao học”, bác sĩ P. cho biết.
Cho dù các chứng chỉ trong chương trình Cao học tại trường ĐHYHN đều đã được học trong chương trình hệ Bác sĩ nội trú. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình Cao học, những chứng chỉ này không được chấp nhận. Điều đó có nghĩa là bác sĩ nội trú sẽ hoàn toàn phải học lại, thi lại những chứng chỉ mình đã được cấp trước đó.
“Bác sĩ nội trú là một hệ tài năng của ngành Y, mà sinh viên Y ai cũng có mong muốn được học. Cơ hội sau khi ra trường đối với bác sĩ nội trú sẽ cao hơn bác sĩ khác, nên mặc dù được nghe thông tin các khóa trước không được cấp đủ bằng nhưng các bạn sinh viên Y vẫn có ước mơ thi đỗ để có cơ hội làm việc tại các bệnh viện lớn. Tuy nhiên đến khi đi làm mọi người mới thấy ‘ngã ngửa’ bởi những bất cập phải chịu đựng. Bằng cấp lại trở thành rào cản lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc”, anh P. cho hay.
“Cay đắng” ngóng chờ trong vô vọng
Bác sĩ N.T.H. (khóa 36) cũng chia sẻ, những khó khăn, bất cập phải đến khi chính thức đi làm mới bắt đầu phát sinh, khi đó mới thấy tấm bằng Thạc sĩ hay Chuyên khoa I thực sự quan trọng.
“Ngay từ đầu khi học hệ bác sĩ nội trú, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng ra những bất cập nhiều như vậy. Nhiều bác sĩ phải học Cao học trong sự ấm ức hoặc tâm thế không mấy hân hoan, họ cảm thấy phí phạm sức lực và thời gian vì phải học lại những kiến thức đã được đào tạo. Mình nỗ lực như vậy để đạt được điều gì, có xứng đáng hay không? ”, bác sĩ H. cho hay.
Từ khi tốt nghiệp đến nay, chị H. cùng hàng trăm bác sĩ nội trú khác đều mong mỏi một câu trả lời chính thức từ ĐHYHN, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT liên quan đến những vướng mắc trong việc cấp bằng. Thế nhưng dù thường xuyên được nghe nói rằng Trường ĐHYHN đang “đấu tranh” và giải quyết để cấp đủ 3 bằng cho bác sĩ nội trú…
Thế nhưng cho đến nay, lí do không cấp đủ bằng vẫn là một câu hỏi quá lớn mà chưa một lần được trả lời công khai, thỏa đáng. Họ chỉ được nghe phong phanh thông tin về lí do “thiếu phôi bằng”, còn khúc mắc đến từ đâu, hướng giải quyết ra sao thì chưa một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Trong khi các khóa bác sĩ nội trú tốt nghiệp từ trước năm 2007 của Trường ĐHYHN đều được cấp 3 bằng, đồng thời hệ đào tạo bác sĩ nội trú của các trường Y khác đều được cấp 3 bằng, các khóa đào tạo bác sĩ nội trú từ khóa 40 của ĐHYHN cũng được cấp bằng Thạc sĩ (trừ một số chuyên ngành).
Bởi vậy, việc không cấp đủ văn bằng cho bác sĩ nội trú từ khóa 28 đến 39 của ĐHYHN là một bức xúc rất lớn, vấn đề nhức nhối trong nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc và sự nghiệp đối với hàng trăm bác sĩ.
Cái giá của sự chờ đợi là quá đắt khi suốt một thời gian dài ngóng chờ trong vô vọng, phía ĐHYHN vẫn im hơi lặng tiếng khiến nhiều bác sĩ nội trú đã phải chuyển hướng.
“Có thể không cần cấp bằng Thạc sĩ hay Chuyên khoa cấp I cho chúng tôi, nhưng với những nỗ lực của mình, chúng tôi cần một sự xác nhận và khẳng định về giá trị tấm bằng bác sĩ nội trú, ít nhất tương đương với bằng Thạc sĩ”, bác sĩ H. khẳng định.
“Chúng tôi không đặt nặng vấn đề bằng cấp, tuy nhiên chúng tôi tha thiết mong muốn sự thay đổi trong chính sách về các chế độ về mức lương, giảng viên chính hay nghiên cứu sinh để bác sĩ nội trú vẫn có cơ hội được phát triển sự nghiệp, mong muốn một tương lai tươi sáng hơn, những cánh cửa rộng mở hơn mà chúng tôi xứng đáng nhận được”, nhiều bác sĩ nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho biết: “Sau khi tiếp nhận hồ sơ và nghiên cứu các quy định của pháp luật, chúng tôi có quan điểm như sau:
Trường ĐHYHN đã thông báo tuyển sinh, tuyển sinh và đào tạo chương trình Bác sĩ nội trú bệnh viện từ khóa tuyển sinh K28 đến K39 (đào tạo từ năm 2004-2017, một số tốt nghiệp năm 2018), trong chương trình đào tạo bao gồm cả chương trình cao học. Khi công nhận tốt nghiệp đã chỉ cấp 1 bằng duy nhất là bằng Bác sĩ nội trú bệnh viện.
ĐHYHN đã thực hiện việc báo cáo không đầy đủ, không đúng số liệu thực tế với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, không xin chỉ tiêu đào tạo Thạc sĩ kèm theo cho đào tạo Bác sĩ nội trú nhưng tuyển sinh và đào tạo Bác sĩ nội trú lại bao gồm cả chương trình đào tạo Thạc sĩ”.
Luật sư Hùng cho biết thêm, việc không cấp đủ văn bằng ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 1.000 bác sĩ nội trú bệnh viện được đào tạo từ năm 2004 đến năm 2018:
Theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định 19/2006/QĐ-BYT về việc ban hành quy chế đào tạo bác sĩ nội trú, khoản 2 Điều 16 Quyết định này nêu rõ: “ Công nhận tốt nghiệp: 2. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng Bác sĩ nội trú, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ.”
Tại Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT – BYT, điều 3 mục III nêu rõ : “- Người trúng tuyển hệ đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện sẽ được công nhận là học viên cao học.
- Bác sĩ được đào tạo theo chương trình nội trú bệnh viện sẽ học bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tương ứng theo Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện, học viên sẽ được cấp bằng thạc sĩ y học.”
“Như vậy, việc Trường ĐHYHN chỉ cấp duy nhất bằng Bác sĩ nội trú mà không cấp bằng Chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ là không đúng quy định pháp luật”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định.