Dạy và học ở Krông Bông
Huyện Krông Bông (Đắk Lắk) hiện có gần 5.000 học sinh là người dân tộc Mông ở các cấp học từ Mầm non đến THPT.
Mặc dù là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn song từ năm 1996, khi đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc vào di cư tại các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm, huyện Krông Bông rất quan tâm; đầu tư hàng chục tỉ đồng mỗi năm từ nguồn dự án và ngân sách địa phương để chăm lo cho giáo dục vùng đồng bào di cư. Đến nay tất cả các thôn đồng bào Mông đều đã có điểm trường Mẫu giáo, Tiểu học, THCS.
Ngay khi 365 hộ đồng bào dân tộc Mông vào định cư, để thuận lợi cho hàng trăm học sinh thôn Noh Prông được đi học, xã Hòa Phong đã vận động phụ huynh làm phòng học tạm, xin biên chế giáo viên, mở các lớp Mẫu giáo, Tiểu học để hơn 300 học sinh được đến trường. Năm 2012, từ nguồn vốn của dự án, tại điểm trường này đã được xây dựng 12 phòng học kiên cố, mở thêm điểm trường THCS Hòa Phong ngay tại thôn Noh Prông để hơn 200 học sinh THCS không phải đi xa gần 10 km đến điểm trường chính để học.
Cư Drăm hiện có 5 thôn, 880 hộ, 5.263 khẩu là người dân tộc Mông di cư với trên 1.500 học sinh ở các bậc học. Tuy là xã còn rất khó khăn nhưng khi đồng bào Mông mới vào định cư, chính quyền xã Cư Drăm đã quy hoạch và huy động người dân làm phòng học tạm, giành nguồn vốn của các dự án xây dựng phòng học, mở lớp để hơn 97% trẻ trong độ tuổi lớp 1 được đến lớp.
Đặc biệt, điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt của trường Tiểu học Yang Hăn, nằm cách điểm trường chính hơn 10 km, cách trung tâm xã gần 30 km. Khi vào định cư chưa được đưa vào vùng dự án nhưng chính quyền địa phương đã xin chủ trương mở lớp để trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Đến nay điểm trường đã được đầu tư xây dựng khang trang với 5 phòng học kiên cố, sân chơi, hàng rào, cổng trường, nhà ở giáo viên, hệ thống nước sạch trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Ông Ma A Sà, Trưởng thôn Cư Dhắt vui mừng chia sẻ: “Thôn Cư Dhắt cách trung tâm xã gần 30 km với dân số gần 100 là dân tộc Mông. Ngay từ khi vào định cư bà con đồng bào Mông ở đây đã được cấp trên quan tâm xây dựng trường lớp, tạo điều kiện rất thuận lợi để tất cả trẻ trong độ tuổi từ Mẫu giáo đến THPT đều được đi học. Đến nay cơ sở vật chất tại điểm trường của thôn đã được xây dựng đầy đủ, kiên cố và khang trang”.
Xã Cư Pui là địa phương có số lượng đồng bào di cư đông nhất với 1.395 hộ, 8.274 khẩu. Việc di cư ồ ạt dẫn đến áp lực về nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất trường học cũng tăng theo. Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu để tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Hiện nay tất cả 6 thôn đồng bào Mông trên địa bàn xã Cư Pui đều có điểm trường mẫu giáo, điểm trường Tiểu học, năm học 2018-2019 phân hiệu trường THCS điểm Ea Lang cũng được đưa vào sử dụng, giúp cho gần 300 học sinh khối lớp 6, lớp 7 của các thôn đồng bào Mông không phải đi học xa gần 10 km.
Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, các trường, điểm trường ở các thôn đồng bào Mông của xã Cư Pui đã được đầu tư hơn 30 tỉ đồng từ nhiều nguồn vốn để kiên cố trường lớp học. Trong đó, trường Tiểu học Ea Bar 13 tỉ đồng, điểm trường THCS thôn Ea Lang hơn 4 tỉ đồng, các điểm trường Mẫu giáo hơn 5 tỉ đồng. Đến nay, toàn xã Cư Pu có khoảng 2.700 học sinh là người dân tộc Mông từ Mầm non đến THPT... Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt nguồn vốn giai đoạn tiếp theo để xây dựng cơ sở vật chất ở các điểm trường như phòng học, phòng làm việc, sân chơi, cổng tường rào như: Điểm trường Tiểu học và Mẫu giáo thôn Ea Rớt (cách trung tâm xã 20 km); điểm trường THCS thôn Ea Lang; điểm trường Mẫu giáo thôn Ea Uôl… với số vốn hơn 10 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho những học sinh dân tộc Mông ở xa đang học THCS và THPT không có điều kiện đi về trong ngày, huyện Krông Bông đã xin kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp khu trường THCS Cư Drăm cũ trở thành khu bán trú với 16 phòng ở, phòng ăn, công trình vệ sinh, hệ thống cung cấp nước, đáp ứng cho khoảng 160 học sinh ở lại nội trú. Vừa qua, UBND huyện Krông Bông cũng đã đồng ý và cho chủ trương chia tách trường THCS Cư Drăm (xã Cư Drăm) để thành lập thêm trường THCS Yang Hăn, đặt giữa trung tâm các thôn đồng bào Mông, giúp cho gần 400 học sinh bậc THCS không phải đi học xa gần 20 km đến trường.
Ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng GDĐT huyện Krông Bông cho biết: “Mặc dù việc thành lập trường mới gặp nhiều khó khăn vì thiếu biên chế, thiếu cơ sở vật chất. Song phòng GDĐT đang tích cực tham mưu với UBND huyện chia tách, thành lập trường mới tại các thôn đồng bào Mông để các em học sinh đi học thuận lợi hơn, nhằm hạn chế các em bỏ học và nâng cao chất lượng. Hiện nay phòng GDĐT đang phối hợp với các phòng, ban và địa phương gấp rút xây dựng đề án, hoàn thiện việc quy hoạch đất. Đầu năm 2022 sẽ tiến hành xây dựng cơ sở vật chất để đầu năm học 2022-2023 kịp đưa trường THCS Yang Hăn vào hoạt động”.