Nghĩa tình sắt son với đồng bào xa xứ
Hàng ngàn tấn hàng hóa thiết yếu, hàng trăm chuyến xe, hàng chục chuyến bay đã và sẽ đón hàng ngàn công dân từ vùng dịch trở về quê nhà…, thể hiện nghĩa tình sắt son với đồng bào xa xứ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm và khó lường của dịch bệnh Covid-19.
Nghĩa tình đồng bào
Trong những ngày tháng đặc biệt khó khăn vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, hàng vạn người dân Thanh Hóa đang học tập, công tác và sinh sống tại các địa phương này luôn cần sự sẻ chia về mọi mặt để vượt qua cơn hoạn nạn. Với truyền thống lá lành đùm lá rách, xác định nghĩa tình cao cả với đồng bào xa xứ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã có nhiều hành động thiết thực, thấm đẫm tình cảm nhân ái, nhân văn…
Ngay khi diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thanh Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực cao nhất để thực hiện mục tiêu kép a vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đặc biệt đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân trước đại dịch.
Những ngày gần đây, dịch lại diễn biến nguy hiểm hơn ở phía Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều đợt vận động, quyên góp, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, với tuần lễ “Hướng về Thành phố mang tên Bác”. Chỉ trong mấy ngày qua, Thanh Hóa đã huy động gần 1.500 tấn hàng hóa và đang tập kết để vận chuyển bằng đường biển đến TP HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Trước đó, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi thư thăm hỏi, động viên đồng hương Thanh Hoá tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Bức thư có đoạn: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp cách ly y tế, giãn cách xã hội nên đời sống Nhân dân nói chung, trong đó có công dân tỉnh Thanh Hóa hiện đang sinh sống, học tập tại TP HCM và các tỉnh phía Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà luôn dõi theo, chia sẻ khó khăn với bà con. Tại Thanh Hóa, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hưởng ứng Tuần lễ “Hướng về Thành phố mang tên Bác”. Thông qua Hội Đồng hương tỉnh, Hội Đồng hương các huyện, thị xã, thành phố tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Thanh Hoá gửi đến bà con, cô bác, các anh, chị và các cháu lời thăm hỏi ân cần, lời động viên chân thành nhất.
Với truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái, tin tưởng cộng đồng người Thanh Hóa tại TP HCM và các tỉnh phía Nam sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác, học tập.
Để bà con Nhân dân Thanh Hóa cùng Nhân dân TP HCM và các tỉnh phía Nam vượt qua khó khăn, dịch bệnh, đồng thời san sẻ gánh nặng kịp thời cho thành phố lớn nhất cả nước và các tỉnh phía Nam với tinh thần “vì Miền Nam ruột thịt”; cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đề nghị Hội Đồng hương tỉnh, Hội Đồng hương các huyện, thị xã, thành phố tại TP HCM và các tỉnh phía Nam thường xuyên nắm tình hình, động viên, giúp đỡ đồng hương, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật; phối hợp với chính quyền địa phương sở tại tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức để đưa công dân Thanh Hóa nếu quá khó khăn có nhu cầu thực sự trở về quê nhà”.
Hành động hợp lòng dân
Trên tinh thần đó, ngày 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã ban hành kế hoạch đón công dân tỉnh Thanh Hóa từ TP HCM và các tỉnh thành phía Nam có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng về quê hương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho các công dân tỉnh Thanh Hóa có hoàn cảnh khó khăn hoặc trường hợp đặc biệt gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về địa phương (trước mắt áp dụng cho TP HCM; sau đó, rút kinh nghiệm, căn cứ vào khả năng tiếp nhận của tỉnh sẽ xem xét việc đón công dân ở các tỉnh, thành phố khác).
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trở về tỉnh; Bảo đảm tuyệt đối an toàn và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong tiếp nhận, di chuyển công dân trở về địa phương; Tổ chức cách ly phù hợp với khả năng tiếp nhận của các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh và phù hợp với điều kiện của tỉnh; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và nơi ăn, ở, sinh hoạt của công dân trong thời gian cách ly tại các khu cách ly tập trung và tại các khách sạn, nhà nghỉ có thu phí (theo nguyện vọng của công dân) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Kế hoạch đón công dân chia làm 3 đợt, dự kiến triển khai từ ngày 30/7 đến ngày 22/9, với số lượng khoảng 1.000 người.
Đối tượng tiếp nhận cũng được quy định rõ: Người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do mất việc làm; Người già trên 65 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Trẻ em dưới 15 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Phụ nữ mang thai thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác.
Trước đó, Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh đầu tiên chủ động đón công dân từ vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang về quê, với hàng ngàn người, được chăm lo chu đáo chỗ ăn ở, cách ly...
Có thể nói, với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, từ xưa đến nay, mỗi khi đồng bào Thanh Hóa xa xứ gặp khó khăn, hoạn nạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh lại một lòng một dạ, huy động mọi nguồn lực để sẻ chia, đùm bọc, cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực, hướng đến ngày thái lai.
Đây cũng là gốc rễ của tinh thân nhân văn, nhân ái thấm đẫm trong dòng máu Việt Nam nói chung, trong con người xứ Thanh nói riêng. Đó cũng là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, làm nên những chiến công, những thành tựu vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, cũng như của quê hương Thanh Hóa anh hùng.