Nuôi ong ‘tử thần’

Điền Bắc 22/07/2021 10:00

Không phải là loài ong mật cần mẫn, hiền từ, loài ong tự nhiên mà người dân quê lúa Yên Thành (Nghệ An) chọn để thuần hoá được xem là loài ong “tử thần”, bởi chỉ cần một nốt cắn của nó cũng khiến người trưởng thành nhập viện, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đó là nghề nuôi ong vò vẽ. Dù nguy hiểm nhưng hơn 5 năm qua, nhờ nuôi loài ong này mà nhiều gia đình có thu nhập khá.

Nghề nuôi ong vò vẽ tại xã Lăng Thành.

Liều mình săn ong

Tìm về xóm Làng Nghè, Làng Cầu thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi sửng sốt bởi câu chuyện nuôi ong vò vẽ - loài ong “tử thần” này có từ năm 2015. Ban đầu, việc bắt ong chủ yếu để cải thiện bữa ăn. Thế nhưng khi thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân đổ xô đi săn ong, nguồn ong trong huyện cạn dần, họ chuyển hướng sang các huyện bạn, thậm chí vào tận Quảng Bình, Đà Nẵng ra tận Lào Cai, Yên Bái tìm ong vò vẽ.

Phát hiện một lượng ong thợ bay ra vào một lùm cây rậm, mặc đồ bảo hộ kín như bưng, chỉ hở khoảng mắt đủ quan sát, ông Đoàn Bá Nghĩa (61 tuổi) trú xóm Làng Nghè, xã Lăng Thành cho biết: Khu vực này có một tổ ong vò vẽ.

Đúng như dự đoán, một tổ ong bằng bát tô lấp ló sau lùm cây. Chỉ chờ có thế, ông Nghĩa lao thẳng vào tổ ong, dù bên ngoài chiếc áo giáp hàng trăm con ong đang bủa vây, ra sức cắn xé. Theo ông Nghĩa, mùa hè từ tháng 6 đến 15/8 âm lịch là giai đoạn lý tưởng cho loại ong vò vẽ xây tổ, sinh sản. Và cũng là thời điểm để các thợ săn ong “xuất quân”.

Xuất phát từ sáng sớm, sau hơn 1 buổi rong ruổi, cha con ông Nghĩa thu về 6 tổ ong vò vẽ, mỗi tổ có trọng lượng từ 1,5-2kg. “Sau khi đưa về nhà, tôi tiếp tục nuôi chúng lớn có thể để xuất bán. Vì là thời điểm sinh sản, nên mỗi ổ như vậy có rất nhiều tầng ong, nhộng nhanh lớn, do đó khi bán sẽ được giá”, ông Nghĩa cho biết.

Nói về việc bị ong đốt, ông Nghĩa cho rằng, như cơm bữa, nhiều lúc mặc giáp vẫn bị tấn công, tuy nhiên không nguy hiểm do nọc độc không thể truyền theo vết đốt.

Việc nuôi ong vò vẽ với số lượng lớn, không ai qua được anh Trần Văn Thắng, xóm Làng Cầu. Hiện gia đình anh đang chăm hơn 120 tổ ong vò vẽ, toàn bộ số ong này được anh nuôi từ đầu tháng 6 đến nay, mặc dù đã xuất tổ một lượng lớn ong thành phẩm, nhưng số lượng ong của anh đang thuộc dạng khủng trên địa bàn.

Với các vật nuôi nuôi khác đòi hỏi phải bỏ vốn đầu tư nhiều, còn với ong vò vẽ, điều cốt lõi là phải giữ được con ong chúa thì các con ong thợ sẽ không đi đâu hết. Tới khi tổ ong lớn đủ kích cỡ sẽ đưa ong chúa cùng ong thợ sang tổ mới để khai thác tổ ong cũ.

“Nuôi tại vườn, sợ nhất là người già trẻ nhỏ, lỡ trêu chọc hoặc không may dẫm phải chúng thì nó sẽ tấn công ngay. Do đó, khi treo tổ trong vườn, cành cây phải dùng lá khô để che và cũng là cách để “ngụy trang” cho chúng”, anh Thắng chia sẻ kinh nghiệm.

Cần sự vào cuộc của ngành chức năng

Do loài ong này rất hung dữ khi có người đến gần, nên những năm trước đây người ta thường bắt ong bằng cách dùng lửa đốt chết cả đàn ong để lấy tầng. Tuy nhiên, việc dùng lửa lấy ong dễ gây cháy rừng, nên những năm gần đây thợ săn ong sử dụng bộ đồ bảo hộ được làm bằng chất liệu vải bạt, vải bò, hoặc cao su mềm mặc vào, có mũ trùm kín mít phần đầu để bắt sống ong. Ngoài việc, giữ nguyên được tổ ong, việc bắt sống sẽ không tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới cháy rừng.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong tại xã Lăng Thành, loài ong vò vẽ thường làm tổ trong khu vực rừng tràm, bạch đàn. Có những tổ treo lơ lửng trên cành cây, cũng có tổ nằm trong bụi rậm. Để phát hiện tổ ong, chỉ cần quan sát những con ong thợ bay về để xác định vị trí ong làm tổ.

“Hầu hết, các tổ ong khi được phát hiện thường chưa đủ lớn, nên phải bắt về, cho ăn, nuôi trong vườn nhà sau 1-2 tháng mới xuất bán. Do đó, việc săn ong được chúng tôi nâng niu, vừa bảo vệ tổ ong vừa không xâm phạm đến rừng”, ông Nghĩa nói.

Chỉ tay vào tổ ong mới bắt về đầu tháng 7, ông Nghĩa cho biết, toàn bộ số ong gia đình đang nuôi là hơn 90 tổ, nếu tính từ đầu mùa khoảng hơn 110 tổ. Chưa có loài nào dễ nuôi như ong vò vẽ, thức ăn của chúng gồm cá, thịt gà...

Việc chăm ong cũng rất quan trọng, thức ăn cho chúng phải sạch, nếu dùng xác động vật chết, thối rữa thì đàn ong sẽ bị bệnh, nhộng ong sẽ còi cọc, thậm chí sẽ chết. Đây là loài ong rất nguy hiểm, tuy nhiên nó chỉ hung dữ khi mình phá tổ, trêu chọc.

Ông Nguyễn Hồ Sơn, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 10 hộ gia đình nuôi ong vò vẽ, tổng số tổ lên tới gần 500 tổ. Ngoài ra, trong xã cũng có khoảng 30 người là đàn ông chuyên đi săn ong vò vẽ. Hiện trên địa bàn huyện Yên Thành có nhiều hộ dân ở các xã Bắc Thành, Tây Thành, Tiến Thành... và một số dân khác ở huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa... cũng đang nuôi loài ong vò vẽ. Tất cả các hộ dân nuôi ong vò vẽ đều mang tính chất tự phát, gần như chưa có sự vào cuộc nào của cơ quan chức năng.

Có thể khẳng định, ong vò vẽ, một loài ong chứa nọc độc rất nguy hiểm nếu không may chúng chích vào cơ thể con người. Chúng tôi cho rằng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cần khảo sát, đánh giá cụ thể đối với việc nuôi ong vò vẽ đang ngày một gia tăng tại nhiều nơi.

Cần phải có giải pháp cụ thể để làm sao vừa đảm bảo việc phát triển kinh tế đối với người dân nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với tính mạng con người khi thực hiện việc nuôi loài ong “tử thần”.

Điền Bắc