Tập trung điều trị những ca bệnh nặng
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nhấn mạnh, vaccine là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch Covid-19 hiệu quả và lâu dài.
Trước đó, TP HCM có kế hoạch tiêm chủng đồng loạt số lượng khoảng gần 1 triệu liều vaccine (đợt 5) nhưng chưa thể triển khai vì tình hình dịch diễn biến rất phức tạp. Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, đến nay tổng số lượng vaccine được phân bổ về cho thành phố là hơn 930.000 liều (gồm 3 loại Astrazeneca, Moderna và Pfizer).
Ông Đức tính toán về khả năng vận hành cùng lúc 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm khi triển khai đợt tiêm chủng quy mô lớn đợt 5. Tùy theo tình hình ổn định, TP HCM sẽ xem xét tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Theo tiến độ dự kiến, TP HCM cần khoảng thời gian 2 tuần để tiêm xong 930.000 liều.
Về đối tượng ưu tiên, TP HCM sẽ ưu tiên những người người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, Tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
Trong những ngày qua, tại TP HCM ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 đã có giảm nhưng vẫn chưa thật sự khả quan. Nói như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thì để khống chế 7-10 ngày tới dịch bệnh giảm xuống là rất khó khăn.
Trong tình hình hiện nay đòi hỏi TP HCM phải quyết liệt hơn nữa việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa, kiểm soát các khu cách ly, điều trị, thực hiện nghiêm việc cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0… mới có hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 đến 10 ngày tới.
Về việc này, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng giải pháp cấp thiết là ngành y tế cần giảm áp lực cho hệ thống điều trị để tập trung điều trị những ca bệnh nặng. Những trường hợp F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền hoặc đã điều trị ổn định, sẽ đưa về điều trị tại các cơ sở thu dung F0 ở 24 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo tính toán, tổng công suất của cả hệ thống y tế thành phố hiện đáp ứng khoảng 24.000 giường. Những cơ sở này đã được Sở Y tế yêu cầu theo dõi chặt chẽ, có phương tiện hồi sức thường xuyên trong quá trình chuyển bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng lên các tuyến cao hơn.
Đề xuất của Sở Y tế cũng nêu về việc những F0 sau 7 ngày điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc nồng độ virus thấp, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thì được về cách ly, theo dõi y tế, xét nghiệm tại nhà. Đại diện Bộ Y tế hiện cũng đã ủng hộ đề xuất này của thành phố.