Ngành Việt Nam học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Biến thách thức thành cơ hội
Trước làn sóng chuyển đổi số, công nghệ 4.0 và đối phó với Covid-19 trong tình hình mới, ngành Việt Nam học Trường ĐHSP Hà Nội 2 chủ động biến thách thức thành cơ hội, tạo nên những hình thức học tập phong phú, sáng tạo và hiệu quả trong năm học vừa qua.
Thứ nhất là sự chủ động, tích cực của sinh viên. Từ những môn học nền tảng (triết học, ngoại ngữ, tin học) cho đến các môn học chuyên sâu về đất nước Việt Nam: Tôn giáo tính ngưỡng Việt Nam, Phong tục tập quán Việt Nam, Các tộc người ở Việt Nam, Dòng họ làng xã Việt Nam, Kinh đô Việt Nam qua các thời kì lịch sử…, sinh viên ngành Việt Nam học luôn nỗ lực phát huy sự năng động sáng tạo.
Không khí sôi nổi trong mỗi tiết học luôn được duy trì. Mỗi sinh viên chủ động tìm hiểu trước bài học, làm việc nhóm, soạn thảo powerpoint và sử dụng các phần mềm tin học khác để thuyết trình trước lớp. Sau sự thuyết trình của các nhóm, mỗi chủ đề tìm hiểu sinh viên tự tìm hiểu đó sẽ được tất cả các thành viên trong lớp và giảng viên nhận xét, góp ý, điều chỉnh cho hợp lí, đúng đắn.
Nhờ cách thức này, sinh viên được rèn luyện tinh thần chủ động cùng các kĩ năng sử dụng công nghệ, thu thập sàng lọc thông tin, đồng thời rèn luyện sự phong thái tự tin, đĩnh đạc trước tập thể cùng sự năng động trong cuộc sống.
Thứ 2, do dịch covid-19, sinh viên phải học tập online. Trước tình thế này, giảng viên và sinh viên ngành Việt Nam học nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số; sử dụng linh hoạt hệ thống LMS; Các tính năng classroom, tài liệu, biểu mẫu... của google cùng nhiều phần mềm công nghệ: mentimeter, quizizze, padllet...
Đặc biệt, các giảng viên khoa Ngữ văn đã linh hoạt, sáng tạo khi dạy học online. Các giảng viên đã chủ động mời rất nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nhà văn, nhà báo, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, cựu sinh viên thành đạt... cùng tham dự các giờ giảng dạy và giao lưu với sinh viên.
Có thể kể đến: nhà thơ, nhà phê bình, nhà văn hóa Chăm Inrasaa; nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả- làng tranh dân gian Đông Hồ; nhà nghiên cứu văn hóa Mường- TS.Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và đào tạo); ông Hà Văn Lâm, Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng; họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng- Trường ĐH Mĩ thuật Hà Nội; nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Tạ Văn Sỹ; các cựu sinh viên Việt Nam học hiện nay là nhà báo, nhà điều hành quản lí du lịch trong các chương trình tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Việt Nam (Tống Minh Vương- K33, Nguyễn Văn Hiếu- K35, Lưu Văn Hoa- K36)...
Khách mời của các buổi giao lưu là những người có uy tín, học thức, do đó, các buổi giao lưu tạo nên không khí mới lạ, hấp dẫn khiến cho chất lượng học tập của sinh viên Việt Nam học được nâng cao.
Ngoài việc học online sáng tạo, hiệu quả, trong những khoảng thời gian dịch covid-19 được kiểm soát, ổn định, sinh viên Việt Nam học cũng nhanh chóng chớp cơ hội, tổ chức hoạt động trải nghiệm Làng cổ Đường Lâm và Làng văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Namở Đồng Mô (Sơn Tây- Hà Nội) cùng với các du học sinh Lào tại trường.
Tại những nơi này, sinh viên đã được tìm hiểu những giá trị văn hoá của các dân tộc Thái, Tày, Nùng…, các dân tộc Tây Nguyên, dân tộc Khơ-me qua nhà ở, trang phục, chùa chiền… Đặc biệt, đến mỗi nơi, đoàn đã có những màn giao lưu văn nghệ rất sôi động và hào hứng.
Tiếng hát của đồng bào dân tộc Thái hoà cùng điệu múa lăm-vông của dân tộc Lào, tiếng trống tiêng chiêng của bản làng Thái hoà trong điệu múa sạp của cô trò, hay điệu nhảy của người dân tộc Tây Nguyên được sinh viên và giảng viên bắt nhịp nhanh chóng… Chuyến đi không chỉ giúp sinh viên Việt Nam học thêm am hiểu, quý trọng văn hóa dân tộc mà còn làm tăng sự gắn kết hữu nghị giữa sinh viên Việt Nam học và các du học sinh Lào.
Thêm nữa, bạn sinh viên Việt Nam học còn tích cực tham gia vào công tác do Trường, Khoa, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên... tổ chức để có thêm nhiều kinh nghiệm giúp ích cho công việc sau này. Trong đó, nhóm tác giả sinh viên Việt Nam học đã đạt giải Nhất cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” và sáng tạo clip tiktok về chủ đề “Khoa Ngữ văn - Sự lựa chọn của tôi - Hạnh phúc của tôi - Tương lai của tôi”. Kết quả của cuộc thi đó cho thấy được sự sáng tạo cũng như các kĩ năng về máy tính hay kỹ năng làm việc nhóm được các bạn sinh viên Việt Nam học áp dụng trong các hoạt động rất có ích.
Phải nói rằng, ngành Việt Nam học Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã vượt qua thách thức của năm dịch covid-19 khó khăn để giảng dạy, học tập hiệu quả, có chất lượng cao, tạo niềm tin và sức lan tỏa lớn trong sinh viên.