'Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh'
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.
Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững
Ngày 22/7, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021 kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với biến chủng mới. Trong nước, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức rất thành công như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kiện toàn nhân sự nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt.
Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong công tác phòng chống tham nhũng đã đẩy nhanh xây dựng, ban hành và thực hiện các kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; chấn chỉnh, xử lý nghiêm và khắc phục vi phạm, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng 4,6% so cùng kỳ, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài; tình hình khiếu nại tố cáo giảm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tập trung xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản qua công tác thanh tra có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên.
Về nhiệm vụ giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2021, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
“Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng với tính chất phức tạp hơn, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác cách ly, điều trị; nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
“GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Thu, chi NSNN đạt kết quả khả quan, tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3%; tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9%. Số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9%”-ông Thanh đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của Nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.
Ông Thanh cũng chỉ rõ, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Thanh cũng đề nghị trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.
Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.