Mức phạt đối với cơ sở kinh doanh vi phạm niêm yết giá trong mùa dịch
Mặc dù Chính phủ đã quy định cụ thể việc niêm yết giá hàng hóa tại các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ngoại trừ các siêu thị, chi nhánh, cửa hàng bán lẻ lớn trên địa bàn cả nước thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết thì nhiều đại lý, cửa hàng tạp hóa nhỏ, chợ truyền thống… vẫn chưa đảm bảo việc này, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Những ngày vừa qua, các đội Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) đã tiến hành cam kết với các tiểu thương trong việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, thu lợi bất hợp pháp.
Theo quy định tại Luật giá 2012, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Niêm yết giá góp phần bình ổn giá và bảo vệ người tiêu dùng nhưng khi thực hiện việc niêm yết giá còn gặp nhiều vướng mắc như thói quen mặc cả, hạ giá ở hầu hết các chợ truyền thống hoặc giá một số loại mặt hàng lên xuống thất thường, đồng thời nhiều tiểu thương chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại và bản thân người tiêu dùng chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi của chính mình.
Hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn:
- Theo Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP), phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân (đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND cấp xã; Chánh thanh tra Sở Tài chính.
Đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ốn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện:
- Theo Khoản 3 và 7 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước". Thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND cấp huyện; Chánh Thanh tra Sở Tài chính.
Ngoài quy định của pháp luật về xử phạt mang tính răn đe nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền cần phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật rộng rãi đến người dân và hướng dẫn tiểu thương tại các chợ thực hiện niêm yết giá và bán giá theo niêm yết; tuyên truyền rộng rãi người tiêu dùng về việc mua các sản phẩm có niêm yết giá; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các tiểu thương vi phạm nhằm thay đổi thói quen bán hàng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.