Đại biểu Quốc hội phải không ngừng lắng nghe ý kiến nhân dân

Việt Thắng 22/07/2021 19:45

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngoài 499 ĐBQH, Quốc hội sẽ huy động tối đa các cộng tác viên là các nhà khoa học, các chuyên gia...

Tối 22/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí.

Trả lời về việc có nhắn gửi gì đối với các ứng cử viên vừa được bầu làm ĐBQH khóa XV và trọng tâm hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Chất lượng hoạt động của ĐBQH nói chung và ĐBQH chuyên trách là nhân tố quyết định hoạt động của Quốc hội. ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, 499 ĐBQH được gần 70 triệu cử tri cân nhắc lựa chọn bầu vào Quốc hội khóa XV, đại diện cho gần 100 triệu đồng bào là một vinh dự lớn. 40% ĐBQH tái cử và 60% ĐBQH lần đầu tham gia Quốc hội đều cảm thấy vinh dự, tự hào nhưng là trọng trách nặng nề.

“Làm gì để xứng đáng với 70 triệu cử tri, 100 triệu đồng bào trong giai đoạn quan trọng” - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Và theo ông đây cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, làm sao để đất nước trong giai đoạn tới trở thành nước có thu nhập cao là nhiệm vụ rất nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội nói: Đã được bầu làm ĐBQH rồi, quan trọng là tu dưỡng phẩm hạnh của người ĐBQH, không ngừng lắng nghe ý kiến nhân dân, gần dân, trọng dân. Đã vào nghị trường nhưng cần hoàn thành trọng trách với nhân dân là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với đất nước.

“Bản thân Quốc hội cũng phải luôn đổi mới và luôn luôn hoàn thiện mình như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu hôm khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhấn mạnh trong 75 năm qua Quốc hội đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, đồng hành cùng đất nước dân tộc. Việc duy trì đã khó, việc tiến thêm một bước nữa còn khó hơn, do đó Chủ tịch Quốc hội cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội cần nâng cao chất lượng lập pháp, siết chặt kỷ luật kỷ cương lập pháp, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là người đứng đầu. Bởi ở đâu người đứng đầu quan tâm thì ở đó chất lượng xây dựng pháp luật tốt, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống.

Muốn thế theo Chủ tịch Quốc hội, phải tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013, thể chế hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi có rất nhiều điểm mới khi trong xây dựng nông thôn mới thì lần đầu tiên đại hội đã chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Đã nông thôn mới kiểu mẫu rồi thì phải thiết kế chính sách phát triển đô thị và kinh tế đô thị tại Việt Nam. Muốn thế phải có chính sách với tư duy mới tầm nhìn mới. Phải rà soát xem xét đâu vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật.

“Hiện Đảng đoàn Quốc hội cùng Ban cán sự Đảng Chính phủ đang xem xét, lựa chọn giải quyết vấn đề để phát triển đất nước. Điều đó nằm ở tính chủ động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đổi mới công tác giám sát là vấn đề then chốt, lựa chọn vấn đề trúng và đúng vấn đề liên quan đến sinh kế người dân để giám sát. Giám sát cần có trọng tâm trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, và truy trách nhiệm giải trình của từng cá nhân, và sau giám sát phải có kiến nghị xác đáng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phải coi trọng thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Cho nên trong 5 năm tới Quốc hội sẽ chú trọng giám sát việc ban hành các văn bản, thực thi pháp luật và giám sát việc tổ chức thực hiện vì đây đang là khâu đang yếu hiện nay. Tăng cường chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như tăng cường hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới sẽ nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia về bộ máy Nhà nước, đối ngoại, kinh tế xã hội, xây dựng pháp luật. Ngoài 499 ĐBQH, Quốc hội sẽ huy động tối đa các cộng tác viên là các nhà khoa học, các chuyên gia. Tức là huy động trí tuệ của toàn dân chứ không phải chỉ 499 ĐBQH.

“499 ĐBQH là kho tàng kiến thức kinh nghiệm vô giá, trí tuệ toàn dân. Cái tài là làm sao khơi dậy phát huy được chứ 1 người thì khó làm nên thành công", Chủ tịch Quốc hội nói.

Liên quan đến vấn đề trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vậy làm sao có cơ chế chính sách như thế nào để đất nước phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong xây dựng thể chế Quốc hội có đặt ra vấn đề mới nhất là các các mô hình kinh tế chia sẻ, thử nghiệm có kiểm soát. Do đó cái nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, còn cái nào thuộc điều chỉnh của luật thì Quốc hội sẽ xây dựng luật để tạo điều kiện cho phát triển. Như Hoa Kỳ năm 2020, kinh tế số tăng 7 lần. Còn chúng ta cũng phát triển nhanh cho nên tùy theo thực tế để có những quyết sách.

Việt Thắng