Rừng bị đốn hạ, ai chịu trách nhiệm?
Sau khi bài viết “Cán bộ để người thân đốn hạ rừng phòng hộ” đăng tải, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có dịp trở lại xã Thanh Sơn và Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai để ghi nhận tình hình người dân báo tin phát hiện thêm những điểm rừng bị chặt phá để lấy đất trồng cây nông nghiệp.
Thêm những điểm rừng bị “dọn sạch”
Gặp chúng tôi, bà L.T.Y. (ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định) bày tỏ: “Rất tin tưởng vào Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phản ánh làm rõ chuyện trớ trêu ở đây”.
Còn ông D.V.U. cũng ở ấp Hòa Trung xúc động: “Người dân chúng tôi mong công luận và cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vào cuộc để thanh kiểm tra làm rõ, xem ai đúng ai sai. Người dân có thể mất quyền lợi nhưng đừng để mất rừng. Đó là tài nguyên vô giá cho con cháu đời sau”.
Rời xã Ngọc Định, ông N.V.C., một trong những người dân đại diện làm đơn tố giác sai phạm của lãnh đạo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà, đã dẫn chúng tôi về hướng ấp 7, xã Thanh Sơn. Theo ông N.V.C., đây là khu vực người dân mới phát hiện ra việc chặt cây rừng, đất rừng có khả năng được chuyển sang đất sản xuất nông nghiệp như một số địa điểm tương tự mà báo đã phán ánh trước đó.
Khu vực này thuộc tiểu khu 22, 23 (cũ), đội 3, ấp 7, xã Thanh Sơn, cách bìa rừng hướng Đồi Lưới Voi, nơi người dân bức xúc phản ánh việc ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà để người thân đốn hạ cây rừng chuyển sang trồng quýt rồi sang nhượng cho người khác, cách khoảng 5 km.
Khu vực này người dân mới phát hiện nằm ở giữa một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Uớc tính diện tích cây rừng bị đốn hạ khoảng 5ha. Tất cả đều đã được “dọn” sạch để chuẩn bị trồng cây ăn trái. Nhiều khoảnh đất đã được ai đó trồng cây chuối non. Hiện trường cũng cho thấy, nhiều cây gỗ như: Gõ, Sao, Tếch đã bị đốn hạ còn trơ gốc. Một số gốc cây bị đốt cháy hoặc bị đốn hạ trong tình trạng thân cây đã khô nhưng chưa đem ra ngoài.
“Anh xem, xung quanh toàn đá lớn lộ thiên, kiểu gì họ cũng đem xe cuốc vào moi đá lên giống như việc khai thác đá mồ côi lần trước. Nhưng đây là đất rừng, họ cứ tiếp tục phá như vậy thì rừng biến thành đất nông nghiệp một cách tùy tiện”, ông N.V.C. lo lắng nói.
Cơ quan chức năng huyện và tỉnh nói gì?
Sau khi ghi nhận hiện trạng rừng cây bị chặt phá, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo huyện Định Quán để tìm hiểu quan điểm của địa phương. Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, huyện đã nắm được thông tin vụ việc; đa số những người bị nhân dân tố cáo trong đơn thư đều là cán bộ, lãnh đạo trong Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà.
“Quan điểm của huyện là cái nào sai thì mình nói sai. Cái nào đúng thì mình nói đúng. Lãnh đạo công ty không nên giấu giếm thông tin. Nếu mà xử lý được thì tôi tin Công ty làm được. Phải họp dân, lấy ý kiến của người dân”, ông Tài nói.
Vị lãnh đạo UBND huyện Định Quán cho biết thêm: “Huyện sẵn sàng đứng ra chủ trì buổi làm việc giữa các bên, ngồi lại với người dân, lắng nghe ý kiến dân, đưa ra phương án, giải pháp xử lý, khi có kết quả công khai cho người dân biết. Quyền lợi phải san sẻ, không thể phủi tay công sức của dân”.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai liên quan đến vụ việc chặt phá rừng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán khẳng định, đất rừng là đất đã được cấp cho tổ chức, không có đơn vị nào của huyện hay tỉnh có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân trên đất rừng.
Còn nếu có thì chỉ có đất bán “sang tay” trái pháp luật. “Đợt rồi huyện kiểm tra khu vực người dân phản ánh là của vợ ông Cường, Phó Giám đốc công ty xây nhà trên đất rừng. Đúng là có như vậy. Tuy nhiên, mới đây không biết là ai đập căn nhà trên, không biết vợ chồng ông Cường hay công ty đập. Công ty cũng chưa có văn bản trả lời, ai đập, vì sao đập?”.
Ông Tài cũng cho hay, ngoài diện tích đang quản lý, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà có bàn giao cho huyện khoảng vài chục ha diện tích đất rừng để quản lý. “Nói thực tế là cái này do công ty quản lý không nổi mới bàn giao lại cho địa phương.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều vấn đề chưa được giải quyết khi bàn giao đất rừng lại cho địa phương như: các tài sản trên đất rừng, cây rừng được xử lý như thế nào, rồi lấn chiếm đất có, xây nhà trên đất rừng có, “anh” phải xử lý hết những tồn tại đó, giao lại cho huyện, huyện sẽ có phương án quy hoạch và quản lý phù hợp”, ông Tài băn khoăn.
Trong khi đó, ông Lê Việt Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty lâm nghiệp Việt Nam, thuê đất của tỉnh để trồng rừng. Ngoại trừ rừng tự nhiên và số rừng bàn giao về địa phương chưa dứt điểm, còn lại là rừng sản xuất.
Chặt hay trồng là do Tổng công ty quyết định trên cơ sở phương án thuê đất của công ty. Ví dụ như phương án thuê đất của công ty trồng keo thì 5 năm có quyền chặt, cây gỗ lớn bao nhiêu năm thì chặt đó là việc của công ty.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm giám sát đất để phát triển lâm nghiệp thì phát triển lâm nghiệp, sử dụng vì mục đích khác là trái pháp luật. Thế nhưng, “thực ra mà nói mình giám sát không hết. Ở trên đó 1 trạm có 3 người, voi rừng thì thường xuyên ra phá, hàng rào điện tử thì chưa xong vì vướng nhiều thứ. Kiểm lâm không làm xuể, hết dịch này Chi cục cũng phải tăng cường thêm người lên trên đó để phối hợp với địa phương thực hiện công tác giám sát”, ông Dũng thừa nhận.
Đại diện lãnh đạo Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: “Chi cục đã có văn bản giải trình với tỉnh, tỉnh cũng đã có chỉ đạo Chi cục liên hệ với các cơ quan báo chí để có sự thảo luận, và đưa ra tiếng nói chung phản ánh tính trung thực của sự việc trên đó. Mới đây, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương thu thập thông tin và kiểm tra toàn diện công ty này”.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Phong Lan, Phó phòng Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam. Bà Lan là một trong 3 người tham gia cuộc đối thoại với người dân tại UBND xã Ngọc Định ngày 17/6/2021.
Bà Lan cho biết: “Về việc này thì tôi không phải người phát ngôn của Tổng công ty. Bây giờ phải trao đổi với người đại diện pháp luật của Tổng Công ty là Tổng Giám đốc”. Tuy nhiên, khi phóng viên xin số điện thoại của Tổng Giám đốc Tổng Công ty lâm nghiệp Việt Nam để trao đổi nắm thông tin thì bà Lan khó chịu: “Cái này thì thật sự hơi khó cho mình, tốt nhất bạn nên tìm hiểu, xin lịch làm việc”.
Phóng viên đặt vấn đề đang phòng chống dịch bệnh Covid-19, cần hạn chế gặp gỡ tiếp xúc chỉ cần gọi điện thoại trao đổi nắm thêm thông tin đa chiều nhưng bà Lan cũng không đồng ý. (?)