Đầu tư cho giáo dục: Lượng và chất chưa tương xứng
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GDĐT) mới đây đã tổ chức Hội thảo “Giáo dục Việt Nam 2011-2020” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hơn 1.000 người gồm nhiều nhà quản lý, cán bộ xây dựng chính sách, chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước đã tham dự hoạt động này. Theo đó, các vấn đề về đầu tư cho giáo dục đã được đánh giá, trao đổi và nhìn nhận một một cách thẳng thắn.
Chất lượng giáo dục ĐH tụt hậu…
PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng: Kết quả 10 năm gần đây cho thấy Việt Nam làm tốt trong việc thúc đẩy phổ cập giáo dục, cải thiện bất bình đẳng, duy trì mặt bằng chất lượng giáo dục ở mức cao trên thế giới so với mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại trong hệ thống, chương trình, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tất cả những gì chúng ta đang nghĩ, đang làm, đang tin tưởng đều có thể phải thay đổi.
Cụ thể, trong 10 năm qua số lượng học sinh giáo dục mầm non tăng mạnh, chủ yếu ở các cơ sở mầm non công lập. Ở cấp tiểu học và THCS có sự tăng nhẹ. THPT giảm nhẹ nhưng con số dự báo hai chiều này có thể đảo ngược trong 10 năm tới.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đang xây dựng chuẩn đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh. Giáo viên sẽ dùng bộ chuẩn này để giảng dạy phát triển năng lực, đồng thời có những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất học sinh.
Giáo dục đại học (ĐH) cho thấy sự tăng quy mô đáng kể trong 20 năm qua với hơn 50% là sinh viên nữ. Tuy nhiên, từ năm 2010 quy mô sinh viên không thay đổi nhiều, tỷ lệ người học ĐH còn thấp so với các nước trong khu vực.
Nói rõ thêm về lĩnh vực giáo dục ĐH, TS Lê Đông Phương đồng tình với nhận định trên. Ông cho rằng, vài năm qua, một số trường của Việt Nam vào bảng xếp hạng quốc tế, nhưng chất lượng giáo dục ĐH trong nước vẫn tụt hậu.
Nếu xét về xếp hạng ĐH, một trong những tiêu chí vẫn được coi là đại diện cho chất lượng giáo dục ĐH, ông Phương đánh giá, các trường Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Theo thống kê số ĐH vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo đó, tại mỗi bảng QS và THE, Việt Nam chỉ có hai trường góp mặt trong top 1.000 và không có đại diện nào ở Webometrics. Trong khi đó Indonesia là 9, 3 và 2, còn Thái Lan là 8, 5 và 6… Ngoài chất lượng giáo dục thấp, TS Lê Đông Phương cũng chỉ ra hoạt động nghiên cứu trong các ĐH Việt Nam tụt hậu.
Xét tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân giai đoạn 2010-2017, Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn với mức 10-71 của Indonesia, 140-212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.092-4.813 của Thuỵ Sĩ, quốc gia đứng đầu danh sách.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra mức độ đầu tư của nhà nước cho giáo dục ĐH còn hạn chế. Theo số liệu của Học viện Tài chính, năm 2017, Việt Nam chi 17.000 tỷ đồng cho giáo dục ĐH. Con số này chiếm 0,34% tổng GPD của Việt Nam, tương đương 1,25% trong ngân sách của chính phủ và 5,6% chi tiêu cho giáo dục, đào tạo (không gồm học phí).
Học sinh đoạt giải cao quốc tế mà chưa đạt chuẩn quốc gia
Một nhận định được ra ra tại hội thảo khiến nhiều người phải lưu tâm, đó là việc Việt Nam đạt kết quả cao trong các đánh giá quốc tế, đồng thời đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế; Tuy nhiên, kết quả học tập giữa các học sinh còn nhiều cách biệt.
Theo PGS Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trong 3 kỳ PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15), học sinh Việt Nam xếp hạng cao trong năm 2012, 2015, 2018 và giành kết quả ấn tượng.
Tuy chúng ta khá nổi tiếng qua các kỳ PISA vì đều vượt mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhưng lại chưa đạt chuẩn Toán, Sinh và Tiếng Anh theo đánh giá quốc gia.
Bà Phương dẫn chứng, trong kỳ PISA năm 2012, học sinh Việt Nam giành 508 điểm Đọc hiểu, cao hơn 20 điểm so với mức trung bình 496 của OECD, Toán 511/494, Khoa học 528/501. Kết quả này giúp Việt Nam lần lượt đứng thứ 19, 17 và 8 tương ứng với ba bài Đọc hiểu, Toán, Khoa học trên tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Ba năm sau, thứ hạng Đọc hiểu và Toán giảm còn 32/70, 22/70, học sinh Việt Nam vẫn khẳng định thành tích ở bài Khoa học với vị trí 8/70. Với bài Khoa học, Việt Nam nằm trong top 5 khu vực đạt thành tích cao nhất trong kỳ PISA 2015. Tuy nhiên, vào cùng thời điểm 2014-2015, đa số học sinh trung học lại chưa đạt chuẩn theo đánh giá quốc gia ở 3 môn Toán, Sinh học và Tiếng Anh.
Theo phân tích ở bậc tiểu học, các em được trang bị kỹ năng đọc, viết và làm toán cơ bản. Kết quả môn Toán thấp hơn Tiếng Việt khoảng 20-30% nhưng hai môn đều ở mức 59-85%, tức là đã đạt. Thế nhưng, thành tích này không được duy trì ở hai bậc học tiếp theo.
Lý giải điều này, PGS Nguyễn Thị Lan Phương cho biết trong đánh giá quốc gia, đề thi dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Việc này phần nào đó tạo cho học sinh thói quen học thuộc, học vẹt. Trong khi đó, PISA là bài đánh giá năng lực, tức là để học sinh tư duy và giải quyết vấn đề.
Do đó, PGS Nguyễn Thị Lan Phương nhận định không nên quá chủ quan khi chỉ nhìn vào kết quả PISA. Bài thi này mới phản ánh được năng lực học sinh ở 3 khía cạnh Đọc hiểu, Toán và Khoa học, thiên về hàn lâm. Học sinh Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, ngay cả bài thi quốc gia cũng chưa đánh giá được về đạo đức và kỹ năng ở một số môn khác. Điều này cho thấy sự thiếu hụt của toàn hệ thống.