TP Hồ Chí Minh: Thêm 7 ngày quyết liệt
Chiều 23/7, UBND TP Hồ Chí Minh cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra các đánh giá tổng thể và kinh nghiệm nhằm dự báo khả năng kiểm soát diễn biến dịch bệnh trong 7 ngày tiếp theo.
Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dù thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp, thực tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn liên tục tăng cao. Ngành y tế thành phố đã huy động 4.456 người cho công tác lấy mẫu, tương ứng với 2.228 đội, nâng năng lực lấy mẫu lên khoảng 150-200 mẫu/đội/ngày. Hiện thành phố đã nâng tổng công suất lấy mẫu xét nghiệm tối đa mỗi ngày đạt 334.000-445.000 mẫu/ngày.
Khó khăn trong kiểm soát dịch
Ông Dương Anh Đức cho biết, số ca nhiễm vẫn còn tăng cao hầu hết tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, chưa đủ quyết liệt để hạn chế lây lan.
Trên không gian mạng, TP HCM cũng phải đối mặt với tình trạng tin giả (fake news), các thông tin xấu độc, bịa đặt, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực vào hệ thống cung ứng hàng hóa đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch bệnh của thành phố.
Trong bối cảnh ấy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã đi đến quyết định tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh, quyết liệt hơn, kỳ vọng trong thời gian đó có thể có tiến triển trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Đức cho biết, các hướng giải pháp về phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch được ưu tiên trong một tuần tiếp theo. Đích đến là phải giữ vững, mở rộng vùng an toàn; kiểm soát sự lây lan, tiến tới hạ thấp số ca nhiễm mới. Cùng đó, thành phố tập trung điều trị các bệnh nhân nặng để giảm tỷ lệ tử vong.
14.000 y tá, bác sĩ đang tham gia công tác phòng, chống dịch
Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, TP HCM đã áp dụng triệt để việc tạm ngưng hoạt động các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ; Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. Tuy nhiên, chỉ sau 15 ngày qua, số ca nhiễm đã vượt mốc 40.000 (trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca). Hiện nay, thành phố vẫn đang nỗ lực điều trị cho 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm xét nghiệm PCR và test nhanh). Còn 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Để quyết định thành bại của chiến dịch, TP HCM xác định yếu tố hạ tầng y tế, trong đó khâu điều trị bệnh nhân được coi trọng hàng đầu. Theo báo cáo sơ bộ, đã có hơn 14.000 y tá, bác sĩ đang tham gia công tác phòng, chống dịch ở TP HCM tính đến thời điểm hiện tại.
Mô hình điều trị theo hệ thống 5 tầng đang được kỳ vọng, vốn được Bộ Y tế đánh giá rất cao. Trong đó, tầng 1 chăm sóc F0 không triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì và được cách ly tập trung tại địa phương; Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng; Tầng 3 là bệnh viện điều trị Covid-19 với ca mắc có triệu chứng trung bình và nặng, hồi sức cấp cứu (thở máy) ca chuyển biến nặng; Tầng 4 điều trị ca mắc Covid-19 nặng có bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục); Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19 được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức.
Mũi thứ hai vẫn đang được TP HCM tiếp tục triển khai và dự kiến trong 7 ngày tới sẽ được tăng tốc triển khai. Đó là chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5, kể từ 22/7. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt này là người trên 65 tuổi và người mắc bệnh nền. Mỗi phường, xã có ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày.
Mũi quan trọng thứ ba được TP HCM xác định vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất an toàn. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, TP HCM vẫn nỗ lực để đảm bảo cho gần 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện “vừa sản xuất, vừa cách ly”, với tổng số trên 84.000 lao động đang tiếp tục làm việc.
Để đảm bảo ổn định đời sống, mưu sinh của người dân trong thời gian giãn cách, đến nay TP HCM đã chi khoảng hơn 404 tỷ đồng cho các đối tượng người lao động, người làm nghề tự do. Tuy nhiên, thành phố đánh giá tiến độ giải ngân vẫn chậm, bởi lý do doanh nghiệp đóng cửa không lên được danh sách người lao động nhận trợ cấp.
Như vậy, TP HCM đã trải qua 4 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội, vào các thời điểm từ cuối tháng 5/2021 cho đến nay. Dự kiến trong 7 ngày tiếp theo (đến 1/8), TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Không để “lỗ hổng” trong các khu phong tỏa
TP HCM hiện có hơn 2.000 địa điểm đang phong tỏa, trong đó có những địa điểm bao gồm toàn bộ cả phường hay nhiều blok chung cư, các địa điểm phong tỏa có thể lên đến hàng chục ngàn người. Việc kiểm soát lây lan dịch bệnh trong các khu vực phong tỏa này ở địa bàn TP HCM đang gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê từ sở Y tế TP HCM, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua, mỗi ngày có trung bình tới 800 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở các khu vực phong tỏa. Trước đây, nhiều người cho rằng khi phát hiện ra các ca nhiễm F0 và thực hiện việc phong tỏa khu vực, như khu phố, block chung cư... thì đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở khu vực đó. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong các khu vực đã bị phong tỏa, nhất là khu phong tỏa có lượng cư dân đông đúc đang diễn ra khá phức tạp nhiều ở TP HCM. Quản lý và ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong các khu vực phong tỏa rất quan trọng và cần thiết, tương đương với việc truy tìm các ca F0 ngoài cộng đồng.
Khi làm việc về công tác ngăn chặn dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân tích, chỉ đạo việc kiểm soát các khu phong tỏa, cách ly cần thiết thực hơn nữa. Tránh trường hợp sau khi đã tìm ra các F0 và phong tỏa thì lực lượng chức năng không quyết liệt truy vết, phòng ngừa. Bởi đặc điểm các khu phong tỏa ở TP HCM rất phức tạp, có thể là khu phố, khu nhà trọ, công ty, nhà máy, tòa chung cư... có từ hàng trăm tới chục ngàn người trú ngụ nên việc quản lý phải vừa chặt chẽ vừa linh động.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Nghĩa là đã phong tỏa một khu vực nào đó thì người dân không ra khỏi khu vực này những vẫn đi lại trong khu vực tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn âm thầm diễn ra. Như trường hợp 2 con hẻm ở đường Âu Cơ (quận Tân Bình), dù đã được phong tỏa nhưng người dân vẫn đi lại, mua bán hàng hóa trong 2 hẻm thông nhau này khiến hơn 100 người khác bị nhiễm Covid-19.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng tình trạng bên ngoài các khu phong tỏa, việc di chuyển được quản lý nghiêm ngặt, có chốt chặn với lực lượng công an, dân phòng canh giữ, kiểm tra. Tuy nhiên bên trong các khu phong tỏa có diện tích lớn, đông cư dân... vẫn khá lỏng lẻo. Người dân vẫn có thể di chuyển ở mức độ nhất định trong khu vực đã bị phong tỏa khiến dịch bệnh vẫn âm thầm lây lan. TP HCM đã thí điểm cách ly hàng ngàn các F0 không có triệu chứng ho, sốt, khó thở... tại nơi cư trú nên số lượng các địa điểm phong tỏa sẽ nhiều hơn. Nếu các hộ gia đình có trường hợp F0 cách ly tại nhà không thực hiện đầy đủ, đúng các biện pháp an toàn kiểm soát dịch thì nguy cơ lây lan là điều có thể xảy ra tại các địa điểm này.
Kết thúc đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 23/7, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành ủy TP HCM tiếp tục ban hành Chỉ thị 12, với nhiều điểm quyết liệt hơn. Theo đó, thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch. Kế đến, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa. Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà. Lãnh đạo TP HCM cũng có yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động chợ truyền thống chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách…
Chỉ thị 12 cũng quy định, cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan. Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố (12 chốt, trạm cấp thành phố và các chốt, trạm cấp quận, huyện và TP Thủ Đức) chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã (QR code) nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào thành phố hoặc lưu thông qua thành phố.