Đồng bằng sông Cửu Long: Đảm bảo vật tư cho ngành thủy sản
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tuy nhiên các địa phương vẫn tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ và hàng hoá thiết yếu hoạt động bình thường, tạo điều kiện người dân nuôi tôm an tâm sản xuất, và thu mua thuỷ sản...
Theo phản ánh của người nuôi tôm tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), sau một ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, xe vận chuyển thức ăn nuôi tôm, thuốc thú y thủy sản không thể vận chuyển đến các ao tôm. Nguyên nhân, do một số chốt kiểm dịch Covid-19 cho rằng, đây không phải là mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội.
Sau khi người dân phản ánh, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời ban hành văn bản số 994/SCT-QLTM chính thức thông tin danh mục các loại hàng hóa thiết yếu khi thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó quy định, các loại hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp được xem là mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tình hình giá tôm nguyên liệu không ngừng biến động theo chiều hướng bất lợi cho người nuôi tôm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) tỉnh đã khuyến cáo người nuôi không vội thu hoạch tôm để bán ồ ạt. Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thì không nên thu hoạch non, tránh trường hợp bị ép giá.
Để người dân nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là bà con nuôi tôm trong tỉnh yên tâm sản xuất, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu khẳng định: Theo quy định, thương lái được thu mua tôm bình thường và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn hoạt động bình thường.
Đồng thời, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên nắm thông tin, tránh hoang mang, thu hoạch tôm ồ ạt, không đúng kích cỡ, dẫn đến thiệt hại, giảm lợi nhuận. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, ngoài việc quan tâm quản lý tốt các yếu tố môi trường, nếu người dân có điều kiện nên tiến hành sang thưa để giảm tải môi trường ao nuôi, kéo dài thời gian nuôi và nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, nâng cao sản lượng và lợi nhuận sau thu hoạch. Đối với loại hình tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, nên thu hoạch đúng kích cỡ và thời gian nuôi.
Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân thu hoạch, thu mua tôm vẫn diễn ra bình thường, các hoạt động vận chuyển vật tư nông nghiệp, thức ăn thủy sản phục vụ sản xuất được tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, ngày 19/7, UBND tỉnh ban hành công văn 2895/UBND-KT về việc quản lý chỗ nghỉ của lái xe, phụ xe các phương tiện vận tải hàng hóa khi vào địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thống nhất để lái xe, phụ xe các phương tiện vận tải hàng hóa liên tỉnh được nghỉ lại khi vào địa bàn Bạc Liêu nhằm đảm bảo sức khỏe, song phải đảm bảo yêu cầu, quy định công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, nhiều công ty sắp xếp khu vực lưu trú, sinh hoạt tập trung trong khuôn viên Công ty để bố trí cho đội ngũ lái xe, phụ xe ở lại. Chịu trách nhiệm quản lý, không để các đối tượng này di chuyển ra ngoài khu vực, tuyệt đối không được đi về nhà và tham gia các hoạt động xã hội khác (ngoại trừ thời gian đi vận chuyển hàng hóa). Khi lưu thông vận chuyển hàng hóa (kể cả đi và về) phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, trình giấy xét nghiệm khi có yêu cầu và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Trước đó ngày 20/7, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 4510 về việc tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ và chế biến nông sản. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và lâm nghiệp về việc gặp khó khăn khi lưu thông, vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản… tại một số địa phương đang có dịch Covid-19. Tại Công điện số 789/CĐTTg ngày 5/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu kép, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản.
Thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản được lưu thông trên địa bàn của tỉnh và liên tỉnh khi đã tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.