Tố cáo tham nhũng có bị ‘chìm xuồng’?

Nam Khánh 24/07/2021 07:12

Vụ việc nguyên Giám đốc một xí nghiệp trực thuộc tố cáo Ban Giám đốc Công ty có dấu hiệu tham nhũng tiền ngân sách, nhưng sau 6 năm giải quyết, các cơ quan tố tụng của TP Hải Phòng vẫn chưa có kết luận.

Mòn mỏi chờ… giám định

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Minh Phương - nguyên Giám đốc xí nghiệp dịch vụ du lịch, đơn vị trực thuộc Công ty CP Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng (Cty CTCC&DVDL) có trụ sở tại số 8 Vạn Sơn, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn đã tố cáo lãnh đạo Cty có dấu hiệu tham nhũng tiền ngân sách trong quyết toán hạng mục san, phủ bãi rác phường Ngọc Sơn (quận Đồ Sơn) vào năm 2014 với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Để làm rõ tố cáo, tháng 11/2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã trưng cầu giám định viên Sở Tài chính TP Hải Phòng để giám định việc sử dụng vốn ngân sách trong việc thanh, quyết toán tiền các hạng mục xử lý rác và nước rỉ rác tại bãi rác do Cty CTCC&DVDL Hải Phòng thực hiện.

Theo quy định tại các Điều 207, Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp, thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp từ 9 ngày đến 3 tháng. Tuy nhiên, cũng phải đến tháng 2/2018, sau 15 tháng trưng cầu giám định, quá thời hạn giám định tới 5 lần kể từ khi có quyết định trưng cầu giám định thì giám định viên Sở Tài chính TP Hải Phòng mới có kết luận giám định việc thanh, quyết toán. Trong đó, kết luận giám định nêu: “Chênh lệch giữa chi phí máy thi công theo hóa đơn, chứng từ thanh toán và chi phí máy thi công do cơ quan giám định tính toán chênh lệch 533.477.616 đồng”.

Theo quy định pháp luật, kết luận giám định, một tài liệu trong hoạt động tố tụng, là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người có liên quan trong việc xác định thanh, quyết toán khoản tiền này.

Cũng trong thời gian này, lãnh đạo Cty CTCC&DVDL Hải Phòng có văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp, việc trưng cầu, trưng cầu lại giám định tư pháp để góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan một vụ án hết sức bình thường. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng TP Hải Phòng đã không trưng cầu giám định mà chỉ có văn bản hỏi Sở Xây dựng, một trong số các sở từng ký các biên bản nghiệm thu, thanh quyết toán cho doanh nghiệp, để đề nghị Sở Xây dựng “thẩm định” lại kết luận giám định tư pháp, làm căn cứ giải quyết vụ án.

Và cứ như thế, cho đến nay, sau nhiều năm thì việc giải quyết khiếu nại tố cáo vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Cty CTCC&DVDL Hải Phòng vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Vụ việc có bị “chìm xuồng”?

Trong diễn biến khác, mới đây, tháng 4/2021, Cty CTCC&DVDL Hải Phòng có lịch tổ chức Đại hội cổ đông để bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2021- 2026. Do Nhà nước vẫn nắm giữ 57% cổ phần tại doanh nghiệp, nhiệm kỳ cũ, ông Hoàng Đăng Hưng là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đề cử, trúng cử làm Chủ tịch HĐQT Cty.

Tuy nhiên, tại văn bản giới thiệu ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, ông Hoàng Đăng Hưng được HĐQT cũ do chính ông Hưng làm Chủ tịch HĐQT giới thiệu thì ông Hưng chỉ được giới thiệu là người đang làm việc tại Cty CTCC DVDL Hải Phòng, ông Hoàng Đăng Hưng không được giới thiệu ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trước sự “mập mờ” trong việc đề cử, ứng cử người đại diện phần vốn nhà nước tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới, bà Nguyễn Thị Minh Phương bức xúc, tại doanh nghiệp có hai người đại diện phần vốn nhà nước là ông Hoàng Đăng Hưng (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Luân (55 tuổi). Bà Luân giữ “chân” Ủy viên HĐQT, Kế toán trưởng doanh nghiệp. Đối chiếu với quy định tại Khoản 3, Điều 46, Nghị định 159/NĐ - CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ và Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/2/2020 của UBND TP Hải Phòng quy định về việc cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì đến Đại hội cổ đông nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Hưng đã 60 tuổi, bà Luân đã 55 tuổi, cả hai không đảm bảo điều kiện đủ tuổi công tác hết nhiệm kỳ 5 năm theo quy định của pháp luật để được giới thiệu là người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định, là vi phạm quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương cho hay, sau khi các kiến nghị đối với UBND TP Hải Phòng về việc cử ông Hưng, bà Luân tiếp tục làm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không được hồi đáp, bà Phương đã làm thủ tục khởi kiện vụ việc ra TAND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.

Bà Phương nêu vấn đề, tại sao những vi phạm tại doanh nghiệp này đều “chìm xuồng”, không được giải quyết theo đúng quy định pháp luật?

Nam Khánh