Anh hùng lao động, nhà văn Sơn Tùng: Người về giữa mùa sen
Trong cuộc đời mỗi người, hầu hết đều có những người thầy được ta kính trọng, đứng vào bậc tôn sư. Với tôi, nhà văn Sơn Tùng là một bậc thầy về tư tưởng, về nhân cách. Cả cuộc đời ông là một sự nhất quán từ nghiệp viết cho đến cách sống.
Nửa đêm 22/7, chuông điện thoại reo. Nhìn vào máy thấy hiện lên tên người gọi là anh Bùi Sơn Định, tôi hiểu luôn điều gì vừa xảy ra… Vậy là nhà văn Sơn Tùng đã ra đi khi trời đang đổ mưa, lúc 23h5p. Anh Định vẫn kịp đưa ông về nằm trong ngôi nhà gắn bó mấy chục năm trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Sáng 23/7, tôi đến 22 A1 Văn Chương. Ngồi trong ngôi nhà thân thuộc mấy chục năm thường xuyên lui tới, tôi thấy lòng trống trải, hoang hoải. Ông chủ của Chiếu Văn như vẫn còn trong phòng văn?
Trong phòng văn là bác Hồng Mai - người vợ tảo tần của nhà văn Sơn Tùng và một số người thân, bạn hữu đang ngồi trước bàn viết của nhà văn Sơn Tùng. Trên bàn vẫn là bức họa thần thái do họa sĩ Văn Len vẽ năm 1995. Và bức tượng nhà văn do nhà điêu khắc Trần Tuy thể hiện năm 2009. Phía trên bàn làm việc là bàn thờ các danh nhân: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía trên bàn thờ các danh nhân là tượng Phật, lá bồ đề được Hòa thượng Thích Huyền Diệu tặng. Phòng văn vẫn còn thoang thoảng mùi hương trầm xứ Nghệ.
Sau khi trao đổi các thông tin và công việc cần thiết, tôi ngồi lặng trong phòng văn. Ký ức ùa về…
Khoảng năm 1984, tôi đã được đọc tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng. Cuốn sách đã làm tôi khóc về thủa niên thiếu của Bác Hồ. Lúc đó, chưa thể nói đến chuyện tôi có lý tưởng gì sau khi đọc cuốn sách, nhưng thực sự cuốn sách đã giúp tôi thêm nghị lực trong học tập.
Năm 1991, lần đầu tiên tôi tới nhà của nhà văn Sơn Tùng. Lúc đó, tôi là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội… Khi biết tôi quyết định chuyên ngành Hán Nôm của khoa Văn, nhà văn Sơn Tùng mừng lắm, ông nói: “Suốt hơn 19 thế kỷ, cha ông ta đã sử dụng chữ Hán, Nôm. Chữ Quốc ngữ thì mới từ đầu thế kỷ 20 mới phát triển. Thế là cháu sẽ không đứt mạch nguồn văn hóa tổ tiên…”.
Nhiều nhà báo, nhà văn thường chọn cho mình một bút danh để “lập danh”. Thời kháng chiến chống Mỹ, nhà báo, nhà văn Sơn Tùng nổi tiếng với bút danh Sơn Phong. Nhưng rồi chính cái tên khai sinh Sơn Tùng mới đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao sự nghiệp. Nhiều người từng được ông tặng sách, thấy chữ ký rất lạ nhưng không dám hỏi. Trong nhiều bài báo, bài viết cũng không thấy ông đề cập.
Còn tôi, từ năm 1995, khi vừa ra trường và đi làm tập sự ở một cơ quan báo chí đã phân vân: “Thưa bác, cháu xem chữ ký của bác có phải là vẽ cây tùng trên ngọn núi không?”. Lúc đó, giữa phòng văn (nơi chỉ khách thật thân quen ông mới mời vào) ông lặng yên nhìn tôi, như thể xem tôi có hiểu được những gì ông sẽ nói. Và từ tốn: “Đúng là cây tùng trên ngọn núi. Nhưng tầng nghĩa của chữ ký không chỉ có vậy. Đó còn là chữ Mẹ. Và (ông trầm giọng) một nấm mồ có cây hương…”.
Còn với tôi, bút danh Từ Khôi cùng định hình sau khi bác cháu tâm sự giữa phòng văn này cuối năm 1995. Và cũng tình cờ là tại phòng văn này, sau đó tôi đã gặp nhà thơ họa sĩ Đoàn Việt Bắc - một nhân vật tài hoa với số phận đặc biệt để “khai bút danh”. Bài báo “Họa sĩ thiết kế phim Hồi chuông màu da cam giờ ra sao?” của tôi đã được nhà văn Sơn Tùng giới thiệu cho nhà báo Hoàng Sơn và Nguyễn Ngọc Báu đăng trên ấn phẩm Tiền phong cuối tháng, số tháng 3/1996.
Mỗi người không tự chọn cho mình được nơi sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình một con đường. Nhà văn Sơn Tùng thường nói với các nhà văn, bạn hữu như vậy. Với những tiêu chuẩn được ưu ái như gia đình cách mạng, thương binh nặng, có bằng đại học… và quá trình cống hiến nhiều, nếu theo con đường quan lộ sẽ dễ bề thăng tiến. Nhưng ông đã tận hiến cho nghiệp viết.
Những năm trước năm 2000, trước khi có mạng internet và điện thoại của cá nhân còn là thứ xa xỉ, Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng thường tấp nập bạn văn nghệ, trí thức lui tới. Những bạn hữu tâm giao “cùng kênh” thường hẹn nhau vào sáng thứ ba, rồi thứ tư hàng tuần để trao đổi với nhau thông tin, chuyện nghề. Trong Chiếu Văn lúc đó tôi gặp thường xuyên là nhà văn Mạc Phi, Minh Giang, Siêu Hải, Mai Hồng Niên, Hoàng Kính, Cao Ngọc Thắng, họa sĩ Ngọc Linh, Lê Lam, Giáo sư Phan Ngọc, nhà ngoại giao Hồ Sĩ Bằng, Trần Tam Giáp… Tôi vinh dự được các cụ cho ngồi hầu chuyện, coi như một thành viên nhỏ tuổi nhất của Chiếu.
Chiếu Văn tụ hội được do nhà văn Sơn Tùng có sao “bát tọa”. Đó là cách nói vui, chứ thực ra nếu không phải là người có nhân cách thì sao nhà văn Sơn Tùng được nhiều người quý mến, quây tụ được nhiều bạn hữu.
Về nhân cách, nhà văn Sơn Tùng thường nói với bạn hữu trong Chiếu Văn: “Mình thà làm nạn nhân còn hơn làm sát nhân”. Tư tưởng chọn “cửa thiệt” cho mình khiến ông luôn nhường người về những lợi lộc. Khi còn ở phố Thụy Khuê, ông bị lừa mua phải nhà đất của một người đã có chủ khác. Mấy năm sau, người chủ đến đòi, ông đã trả lại nhà cho họ mà không kêu than. Có tiêu chuẩn được cấp nhà, nhưng khi đến thì ông từ chối vì căn nhà đó đề hai chữ “tình nghĩa”. Ông muốn lấy lại ngôi nhà số 58 phố Nam Đồng năm xưa trước khi đi vào chiến trường đã gửi lại mà không được. Căn nhà đã được phân cho người khác ở…
Nhưng về việc viết, ông lại không chịu lùi bước. Ông tìm tòi sự thực, viết sự thực, cho dù vì sự thực đó mà ông có bị dập vùi khốn đốn. Tác phẩm Búp sen xanh xuất bản lần đầu với số lượng 8 vạn bản ngay lập tức đã thành cơn địa chấn không chỉ trong làng văn. Hàng chục bài báo đã viết phê phán nặng tác phẩm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời nhà văn lên hỏi chuyện. Sau đó, có viết lời tựa cho cuốn sách. Búp sen xanh đã được nhiều tác giả khác chuyển thể như: kịch bản sân khấu tuồng Cậu bé làng Sen của tác giả Mịch Quang; diễn ca Búp sen xanh thể thơ song thất của tác giả Lê Xuân Hãng (hơn 4000 câu); Hương sen, phỏng thơ của Ngọc Hồ; Ngó sen, thơ lục bát của Đức Thục; Nhụy sen, trường ca của Hoàng Trang. Cuốn tiểu thuyết tính đến nay đã phát hành hàng triệu bản, nhiều lần tái bản bị in lậu.
Thế nhưng, ít ai ngờ cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh nảy sinh từ sự bất bình của nhà văn vì kịch bản điện ảnh “Con đường năm ấy” viết năm 1978 về cuộc đời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được duyệt làm phim dù Giám đốc Xưởng phim truyện Vũ Năng An hết sức điều đình. Không làm được phim thì viết cho thiếu nhi. Ông bắt tay viết khi trong đầu còn găm mảnh đạn, thi thoảng lại rỉ máu. Thế là Búp sen xanh ra đời.
Năm 1987, ngành điện ảnh tìm kiếm kịch bản để làm phim cho kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Chủ tịch. Nhà văn Sơn Tùng lại được mời viết kịch bản. Trên cơ sở kịch bản cũ, nhà văn Sơn Tùng có chỉnh sửa rồi đổi tên thành “Cuộc chia ly trên bến nhà rồng” rồi “Hẹn gặp lại trên bến nhà rồng”. Năm 1990, bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt với tên phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Bộ phim lại gây xôn xao dư luận. Khi gửi bản thảo kịch bản cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, nhà văn Sơn Tùng viết vào trang bìa bản thảo: “Tháng 5/1990, dựng thành bộ phim dài hơn 2 tiếng, đổi tên: Hẹn gặp lại Sài Gòn. Nhân vật Út Huệ, lãnh đạo bắt đổi tên là cô Vân – Tôi lưu ý kiến không chấp nhận cái tên cô Vân”.
Không chấp thuận đổi Út Huệ thành cô Vân vì nhà văn không muốn người xem, người đọc suy diễn nhà văn bịa tạc ra nhân vật người thương của Bác Hồ.
Ngoài những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng còn có những tiểu thuyết khai thác về chiến tranh theo góc riêng như: Vườn nắng; Lõm… và những nhân vật lịch sử như Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua tiểu thuyết Trái tim quả đất; Trần Phú; Nguyễn Hữu Tiến…
Với nhân vật Nguyễn Hữu Tiến, nhà văn Sơn Tùng thực sự đã làm một cuộc điều tra kỳ công để xây dựng nên người vẽ cờ Tổ quốc với tư liệu, chứng cứ ăm ắp, thuyết phục…
Từ Chiếu Văn Khâm Thiên, thương binh, Anh hùng lao động, nhà văn Sơn Tùng tỏa sáng. Cũng từ Chiếu Văn, ngôi sao Sơn Tùng băng về phương Nam, về với biển làng Kim, về với Hoa Lũy xưa giữa mùa sen nở…
Anh hùng lao động, Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày 8/8/1928 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An.
Ông mất hồi 23h5 ngày 22/7/2021. Lễ viếng từ 7h30 đến 8h30 ngày 26/7/2021 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An.