Quốc hội thông qua việc bổ sung nội dung phòng, chống Covid-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất
Sáng 24/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe đại diện các cơ quan có liên quan báo cáo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống Covid-19.
Cùng tham dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính.
Trước đó, vào sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Xã hội báo cáo việc chuẩn bị các nội dung liên quan, điều chỉnh nội dung Kỳ họp thứ nhất để bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất điều chỉnh Chương trình kỳ họp thứ nhất.
Tại Hội trường Quốc hội sáng 24/7, có 474/474 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành với chủ trương điều chỉnh, bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. Quốc hội cũng thống nhất sẽ quyết nghị các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất nhằm cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trong điều kiện hiện nay.
Trên tinh thần đó, cuộc họp do Chủ tịch Quốc hội chủ trì sáng 24/7 nghe và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về các giải pháp này. “Đây là trình tự theo thể thức rất đặc biệt nên chúng ta cũng cần phải có cách thức rất đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu.
Sau khi nghe các đại biểu cho ý kiến đối với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội liên quan đến các giải pháp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với phạm vi điều chỉnh trong khuôn khổ công tác phòng, chống dịch Covid-19, xác định thời hạn áp dụng cụ thể tới hết năm 2022.
Đối với các nội dung phòng, chống dịch mà Chính phủ đề xuất đã được luật quy định thì Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ toàn quyền quyết định. Nếu luật chưa quy định thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện thông qua các nghị quyết, quyết định, báo cáo Quốc hội sau. Nếu nội dung khác quy định của luật thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các đề nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Báo cáo tại cuộc họp, Chính phủ đề xuất Quốc hội 6 nội dung, trong đó có việc cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt. Địa phương được Trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết;...